Các bệnh lý do tồn tại ống phúc tinh mạc gồm: thoát vị bẹn ở trẻ em; nang thừng tinh và tràn dịch màng tinh hoàn ở trẻ nam với biến chứng nguy hiểm hay gặp của thoát vị bẹn là thoát vị bẹn nghẹt. Nếu khối thoát vị lên xuống nhiều lần gây chèn ép bó mạch thừng tinh có thể gây biến chứng teo tinh hoàn. Chúng là những bệnh lý hay gặp nhất trong các bệnh lý ngoại khoa ở trẻ em. Theo nhiều nghiên cứu, tỷ lệ thoát vị bẹn xảy ra chiếm 4-5% trẻ em sinh ra khỏe mạnh và lên đến 30% ở trẻ đẻ non còn nang thừng tinh và tràn dịch màng tinh hoàn cũng chiếm tỷ lệ tương đương. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định mỗi năm thường phẫu thuật điều trị khoảng 300 thường hợp mắc các bệnh lý này.
Sự cần thiết của phẫu thuật với liều kháng sinh dự phòng duy nhất: Điều trị các bệnh lý này cần phải phẫu thuật, kỹ thuật mổ tưởng như đơn giản nhưng lại là một phẫu thuật tỉ mỉ và tinh tế đòi hỏi sự chuyên sâu để tránh các biến chứng nguy hiểm như tắc hoặc đứt ống dẫn tinh, đứt hoặc tắc các mạch máu nuôi tinh hoàn có khả năng dẫn đến vô sinh. Việc phẫu thuật trong các trường hợp tràn dịch màng tinh hoàn theo kỹ thuật thường quy hay bị tai biến chảy máu, sưng to bìu sau mổ còn nếu muốn tránh biến chứng này thường phải mở rộng vết mổ gây phá hủy nhiều cấu trúc giải phẫu. Đây là phẫu thuật sạch, ở các nước tiên tiến trên thế giới với những điều kiện phòng mổ hiện đại, vô trùng tốt như ở Mỹ, Úc, Tân Tây Lan... bệnh nhân không cần sử dụng kháng sinh sau mổ hoặc chỉ dùng kháng sinh một liều duy nhất trong mổ với tỉ lệ nhiễm trùng vết mổ khoảng 1% và bệnh nhân được xuất viện sớm ngay sau mổ. Tại Việt Nam việc sử dụng kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật còn rất hạn chế và chỉ thực hiện với số lượng rất khiêm tốn ở một vài bệnh viện lớn như Bình Dân, Chợ Rẫy. Trong điều kiện Việt Nam, một số tiêu chuẩn vô trùng ở phòng mổ chưa đảm bảo, cơ sở vật chất trang thiết bị còn nhiều bất cập, đồng thời theo thói quen của các bác sĩ, sau mổ đa số bệnh nhân được nằm lại bệnh viện và được sử dụng kháng sinh, thay băng hàng ngày cho đến khi cắt chỉ xuất viện (thường là 5-7 ngày). Điều này sẽ gây ra nhiều tốn kém do việc sử dụng nhiều kháng sinh, làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh của vi khuẩn, bệnh nhân chịu nhiều tác động xấu do sử dụng nhiều kháng sinh, gia đình và bệnh nhân phải ở lại bệnh viện nhiều ngày gây nhiều bất lợi, tốn kém và sẹo mổ để lại thường xấu, mất thẩm mỹ. Tại Bình Định nhờ có sự hỗ trợ tích cực của Bộ Y tế, Sở Y tế cùng các chuyên gia người Tân Tây Lan, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định trong những năm gần đây đã có những chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện. Đó là những cơ sở rất tốt để chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài này để ứng dụng việc sử dụng kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật. Thực tế phẫu thuật, điều trị: Từ tháng 3 năm 2008 đến tháng 3 năm 3009 có 150 trường hợp mắc các bệnh lý do tồn tại ống phúc tinh mạc ở trẻ em được đưa vào nhóm nghiên cứu. Cụ thể: - Bệnh nhân nam: 137 (91,3%); Nữ 13 (8,7%) - Bệnh nhân dưới 5 tuổi: 93 (62%); 5- 10 tuổi: 37 (24,6%) Bệnh nhân đều được đánh rửa da vùng mổ với xà phòng tiệt khuẩn tại bệnh phòng và tại phòng mổ. Kháng sinh sử dụng là cefazolin, với liệu 50mg/kg tiêm tĩnh mạch, cho liều duy nhất khoảng 30 phút trước khi bắt đầu mổ. Vết mổ được may bằng chỉ tiêu chậm luồn dưới da. Sau mổ không cho kháng sinh, không thay băng cắt chỉ. Trong phẫu thuật nang thừng tinh và tràn dịch màng tinh hoàn chúng tôi có cải tiến về mặt kỹ thuật và đã được đưa vào áp dụng. Trong khi mổ nang thừng tinh và tràn dịch màng tinh hoàn, để đưa được nang thừng tinh hoặc bộc lộ màng tinh hoàn trong tràn dịch màng tinh hoàn qua ống bẹn lên vết mổ các phẫu thuật viên thường phải rạch rộng vết mổ, cắt rộng lỗ bẹn ngoài. Điều này sẽ phá hủy nhiều cấu trúc giải phẫu và rất dễ gây chảy máu, tụ máu sau mổ, để tránh điều này, chúng tôi đẩy nang lên sát lỗ bẹn ngoài, dùng kim tiêm số 18 chọc tháo hết dịch qua kim. Sau đó nang thừng tinh hoặc màng tinh hoàn sẽ dễ dàng được đưa ra ngoài vết mổ mà không gây tổn thương về giải phẫu và tránh biến chứng chảy máu. Kết quả: Sau khi phẫu thuật theo dõi ít nhất là 3 tháng. Tất cả 100% bệnh nhân đều có kết quả tốt, không có trường hợp nào bị nhiễm trùng vết mổ. Cha mẹ bệnh nhân đều hài lòng về kết quả phẫu thuật và tính thẩm mỹ của vết mổ. Việc áp dụng kháng sinh dự phòng vào phẫu thuật đã mang lại nhiều lợi ích về nhiều mặt như xã hội, y tế và kinh tế như nhiều tác giả trong các công trình nghiên cứu khác đã phân tích. Quy trình mới chúng tôi áp dụng chỉ dùng 1 liều kháng sinh dự phòng duy nhất. Đây là kháng sinh cephalosporin thế hệ 1 rẻ hơn thế hệ 3 rất nhiều. Sau mổ không cần thay băng cắt chỉ hay tiêm kháng sinh và cho xuất viện sớm. Quy trình điều trị các bệnh lý do tồn tại ống phúc tinh mạc ở trẻ em có thể làm tài liệu tham khảo và ứng dụng ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định cũng như các cơ sở y tế khác, đồng thời có thể ứng dụng rộng rãi kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật, nhất là các phẫu thuật sạch như u phần mềm, u vú, bướu giáp, u mỡ, u bã đậu, u sợi… Bài viết liên quan ThS.BS Nguyễn Đình Liên ( Sưu tầm trên internet) | |
|