Một số bệnh tuyến vú lành tính
Bệnh lý tuyến vú dù rất dễ khám và phát hiện bệnh, nhưng bản thân bệnh nhân cũng chủ quan về sức khoẻ mà đôi khi bác sĩ không phải chuyên khoa cũng hay bỏ sót khi thăm khám. Chính vì vậy đây là bài viết hay và có ý nghĩa cho nhân viên y tế tham khảo. Đặc biệt chị em phụ nữ hãy thường xuyên đi khám vú định kỳ, riêng nam giới nếu bạn đau vùng ngực, vùng vú cũng nên đi khám ngay để chẩn đoán và điều trị sớm nhằm nâng cao chất lượn sức khoẻ và đời sống.
1. Sơ lược cấu trúc của tuyến vú:
+ Mỗi tuyến vú được tạo nên từ 15-20 (hoặc hơn) các thuỳ tuyến (lobe); mỗi thuỳ tuyến gồm có nhiều tiểu thuỳ tuyến (lobule) nằm rải ra trong tổ chức liên kết đệm và tổ chức mỡ của tuyến vú. Kích thước tuyến vú phụ thuộc chủ yếu vào số lượng của tổ chức liên kết đệm và tổ chức mỡ này.
- Tiểu thuỳ tuyến là đơn vị cấu trúc cơ bản của tuyến vú, mỗi tiểu thuỳ tuyến có một ống tuyến tiểu thuỳ (Ductule), từ ống này tách ra nhiều ống tuyến nội tiểu thuỳ, mỗi ống tuyến nội tiểu thuỳ lại chia ra các túi tận cùng của ống tuyến sữa (còn gọi là các Acini). Một tiểu thuỳ tuyến vú có từ 3-100 (hoặc hơn) các Acini.
- Các ống tuyến tiểu thuỳ trong một thuỳ tuyến sẽ đổ về ống tuyến sữa chính (Duct) tương ứng với thuỳ tuyến đó. Các ống tuyến sữa chính này chạy tập trung về quầng vú và vào núm vú. Như vậy ở núm vú sẽ có khoảng 15-20 đầu cuối của ống tuyến sữa chính, mỗi đầu đại diện cho đường ra của một thuỳ tuyến vú riêng biệt.
+ Các thuỳ tuyến không phân bố đều trong tuyến vú. Các vùng phía ngoài, nhất là phần tư trên ngoài có nhiều thuỳ tuyến hơn. Điều này giải thích vì sao ở vùng này tổ chức tuyến vú có vẻ chắc hơn và hay gặp Ung thư hơn.
2. Sơ lược các bệnh lành tính của tuyến vú:
Có thể chia các bệnh lý lành tính của Tuyến vú thành các nhóm sau:
+ Nhóm bệnh bẩm sinh hay phát triển bất thường của tuyến vú:
- Tật nhiều tuyến vú.
- Tật thiếu núm vú (Athelia), tật không có tổ chức tuyến vú (Amastia).
- Bệnh phì đại tuyến vú Nam giới (Gynecomastia).
+ Nhóm bệnh do nguyên nhân chấn thương và viêm nhiễm:
- Tụ máu tuyến vú do chấn thương.
- Bệnh viêm tắc tĩnh mạch nông tuyến vú (bệnh Mondor).
- Viêm tuyến vú do nhiễm trùng và Apxe tuyến vú.
+ Nhóm bệnh liên quan đến các ống tuyến sữa:
- Các bệnh của ống tuyến sữa chính: Nang sữa đóng kén, Bệnh giãn ống tuyến sữa…
- Các bệnh của ống tuyến sữa tiểu thuỳ: bệnh Nang xơ tuyến vú (fibrocystic)...
+ Các U lành tuyến vú:
- Các U của tổ chức biểu mô tuyến vú: U nhú, U tuyến…
- Các U hỗn hợp tổ chức biểu mô và tổ chức liên kết tuyến vú: U tuyến xơ (Fibroadenoma).
- Các U của tổ chức liên kết của tuyến vú: U mỡ, U xơ, U mạch máu, U bạch huyết, U da…
Bài này nói đến một số bệnh lý lành tính hay gặp ở tuyến vú.
I. Một số bệnh bẩm sinh hay phát triển bất thường của tuyến vú:
1. Tật có nhiều tuyến vú:
a) Đại cương:
+ Vào cuối tuần thứ 6 trong thời kỳ bào thai, tổ chứcngoại bì dày lên dọc theo hai đường đối xứng nhau chạy từ nách đến bẹn ở mặt trước bên của cơ thể và tạo thành hai “đường sữa”: các tế bào biểu mô của ngoại bì ở hai “đường sữa” này có thể đi sâu vào tổ chức trung mô nằm dưới nó để phát triển thành tuyến vú. Bình thường hiện tượng trên chỉ xảy ra ở một vị trí duy nhất trên mỗi “đường sữa” đó để tạo thành hai tuyến vú đối xứng nhau, phần còn lại của “đường sữa” sẽ thoái triển .
+ Trong một số trường hợp, hiện tượng trên xảy ra ở nhiều chỗ khác nhau trên “đường sữa” và do đó dẫn tới tật có nhiều tuyến vú: ngoài hai tuyến vú chính nằm ở vị trí thông thường, còn có nhiều tuyến vú phụ (thường nhỏ và phát triển không đầy đủ) nằm dọc theo các “đường sữa” ở hai mặt trước-bên của cơ thể.
+ Cần phân biệt thuật ngữ:
- Tuyến vú phụ: là các tuyến vú nhỏ và thường phát triển không đầy đủ nằm dọc theo các “đường sữa”.
- Tuyến vú lạc chỗ: là các tuyến vú phát triển ở những vị trí khác trên cơ thể (lưng, đùi...).
b) Triệu chứng chẩn đoán:
Thường tình cờ phát hiện ra vì bệnh nhân ít chú ý tới.
+ Có thể có cảm giác đau, tức...(giống như ở tuyến vú chính) trước các kỳ kinh nguyệt. Khi đẻ và cho con bú có thể thấy các tuyến vú phụ cũng căng to, đau và tiết sữa.
+ Khám: triệu chứng lâm sàng cơ bản để xác định tuyến vú phụ là:
- Có núm vú: các tuyến vú phụ có thể to nhỏ khác nhau phụ thuộc vào số lượng tổ chức biểu mô tuyến có trong nó (có khi hầu như không xác định được tổ chức tuyến vú trên lâm sàng) nhưng thường phải có núm vú dưới dạng một đốm tròn nhỏ sẫm màu, nổi trên mặt da.
- Vị trí: nằm trên “đường sữa” và thường đối xứng nhau rất rõ ràng.
+ Chọc sinh thiết hút tế bào bằng kim nhỏ: thấy có các tế bào biểu mô của tuyến vú.
c) Điều trị:
Có chỉ định mổ cắt bỏ các tuyến vú phụ vì:
+ Có ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tâm lý của bệnh nhân.
+ Gây những khó chịu nhất định cho bệnh nhân: đau theo kỳ kinh, có thể bị các bệnh lý khác giống như các tuyến vú thông thường (viêm, Ung thư...).
+ Cắt bỏ Tuến vú phụ không hại gì đến sức khoẻ nói chung.
2. Bệnh phì đại tuyến vú Nam giới (Gynecomastia):
a) Đại cương:
Phì đại tuyến vú Nam giới là một bệnh hay gặp (khoảng 70% Nam giới tuổi dậy thì có phì đại tuyến vú và 30% Nam giới trên 40 tuổi có biểu hiện tổ chức tuyến vú to ra và có thể sờ thấy đôi chút).
b) Mô bệnh học:
+ Các Phì đại tuyến vú Nam giới mới và điển hình cho thấy tuyến vú to ra bởi có rất nhiều các ống tuyến nhỏ được bao bọc bởi tổ chức liên kết lỏng lẻo.
+ Các phì đại tuyến vú Nam giới đã lâu (vài năm) thì thấy các cấu trúc ống tuyến không rõ nằm trên nền tổ chức đệm phát triển xơ và dày đặc chất Hyalin.
c) Nguyên nhân, Bệnh sinh:
+ Cơ chế bệnh sinh chủ yếu của bệnh Phì đại tuyến vú nam giới là tình trạng mất cân bằng giữa Estrogen và Androgen trong tác động đối với tuyến vú, trong đó tác động của Estrogen tăng lên (tương đối hay tuyệt đối) và hoạt động chức năng của Androgen bị giảm xuống. Dưới tác dụng ưu thế của Estrogen, các tế bào biểu mô tuyếnvú phát triển mạnh dẫn đến tình trạng phì đại tuyến vú Nam giới.
+ Nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng nói trên có thể là:
- Estrogen từ mẹ qua nhau thai vào cơ thể con: gây Phì đại tuyến vú ở trẻ sơ sinh.
- Mất cân bằng tạm thời Estrogen/Androgen ở tuổi dậy thì: thường xuát hiện ở quãng tuổi 12-15, tự giảm và mất dần khi bé nam lớn lên.
- Dùng thuốc: nhiều loại thuốc có tác dụng gây Phì đại tuyến vú như: Spironolactone, Estrogen, Digitalis, Androgen, Gonadotropin, Cimetidine, Flutamide, Mitotane, Methyldopa, Isoniazid, Phenothiazine, Amphetamine, Diethylpropion, Reserpine, Diazepam, Cần sa và các thuốc gây độc tế bào.
- Một số bệnh lý khác trong cơ thể: Xơ gan, Nhiễm độc giáp, Suy thận mãn, Ung thư (Tinh hoàn, Tuyến thượng thận...), Hội chứng Klinefelter, Nhược năng sinh dục...
- Không rõ căn nguyên.
d) Triệu chứng chẩn đoán:
+ Xuất hiện tuyến vú to ra (thường một bên, nhưng có khi cả hai bên), có cảm giác đau, căng và tức nhẹ trong tuyến vú.
+ Khám tuyến vú:
- Thường to một vú, đôi khi có to cả hai vú nhưng không đều nhau.
- Tuyến vú to ra lan tỏa, da trên tuyến vú và núm vú không có gì thay đổi, mật độ thường chắc (nhất là khi bị đã lâu) và đàn hôì, ranh giới tương đối rõ, di động tốt so với tổ chức da phía trên và cơ ngực lớn phía dưới, ấn đau tức nhẹ.
+ Chọc sinh thiết hút tế bào bằng kim nhỏ: tiến hành khi có nghi ngờ Ung thư tuyến vú.
+ Trong quá trình thăm khám cần chú ý:
- Tìm hiểu kỹ tiền sử dùng thuốc.
- Nhiều khi Phì đại tuyến vú Nam giới là dấu hiệu đầu tiên của một U tinh hoàn hoặc Tuyến thượng thận.
e) Điều trị:
+ Điều trị nội khoa:
- Trong nhiều trường hợp, nhất là với các Phì đại tuyến vú Nam giới có thời gian bệnh chưa lâu thì điều trị nội khoa là chủ yếu.
- Điều trị nội khoa bao gồm:
* Điều chỉnh và loại bỏ các nguyên nhân gây bệnh đối với từng trường hợp cụ thể: ngừng dùng các thuốc gây phì đại tuyến vú, điều trị tốt các bệnh khác trong cơ thể có liên quan (xơ gan, cường giáp, nhược năng sinh dục...), theo dõi và không cần điều trị gì đối với Phì đại tuyến vú trẻ sơ sinh hay Phì đại tuyến vú tuổi dậy thì...
* Thuốc kháng Estrogen (Tamoxifen), tăng cường Androgen (Testosteron): hiệu quả điều trị còn chưa được đánh giá một cách thống nhất do đó chưa được dùng phổ biến.
+ Điều trị ngoại khoa:
- Chỉ định:
* Bệnh đã diễn biến lâu ngày, tổ chức tuyến vú đã có những biến đổi nặng, không đáp ứng với điều trị nội khoa.
* Phì đại tuyến vú ảnh hưởng đến tâm lý và thẩm mỹ của bệnh nhân.
- Phương pháp phẫu thuật:
Rạch da đường vòng cung phía dưới-ngoài tuyến vú theo nếp dưới vú và bờ ngoài cơ ngực lớn. Bóc tách cắt bỏ tuyến vú phì đại, để lại da trên tuyến vú và núm vú nhằm giữ được thẩm mỹ cho bệnh nhân.
II. Các chấn thương và Nhiễm trùng tuyến vú:
1. Khối tụ máu tuyến vú:
a) Triệu chứng:
+ Có tiền sử chấn thương (va đập, vết thương…) ở vùng tuyến vú hoặc có tiền sử bệnh lý đông chảy máu.
+ Khám vú: vùng có khối tụ máu thường sưng to, tăng cảm, thay đổi màu sắc da…
+ Nếu nghi ngờ có tiền sử bệnh lý đông chảy máu thì cần cho làm xét nghiệm về đông chảy máu như: thời gian chảy máu, thời gian Prothrombin, thời gian thromboplastin riêng phần, số lượng tiểu cầu…
b) Điều trị:
Thường chỉ cần dùng các thuốc giảm đau. Các triệu chứng thường hết trong vòng 3-4 ngày.
2. Bệnh viêm nghẽn tĩnh mạch nông tuyến vú (Bệnh Mondor):
Bệnh Mondor là bệnh viêm nghẽn tĩnh mạch nông của các tĩnh mạch nằm trên bề mặt tuyến vú và đôi khi trên bề mặt da vùng thượng vị.
a) Triệu chứng chẩn đoán:
+ Đau vùng vú.
+ Khám vú:
- Da vùng bề mặt tuyến vú sưng nề nhẹ, có thể đổi màu.
- Có thể sờ thấy rõ các tĩnh mạch bị viêm nghẽn căng và chắc ngay dưới da vùng trên tuyến vú.
b) Điều trị: trong thời kỳ đau và viêm cấp
+ Chườm ấm tại chỗ để giảm đau.
+ Các thuốc chống viêm giảm đau.
+ Bệnh thường tự giảm và khỏi trong vòng 3 tuần.
3. Nhiễm trùng cấp tính và Apxe tuyến vú:
a) Đại cương:
+ Tuyệt đại đa số trường hợp bị nhiễm trùng hoặc Apxe tuyến vú đều là ở các phụ nữ đang cho con bú hoặc có nguyên nhân gây nhiễm trùng từ trước (bị vết thương, xây xát, nứt nẻ…ở tuyến vú). Nếu không có các nguyên nhân này thì phải luôn luôn nghi ngờ có thể là Ung thư vú.
+ Đường nhiễm trùng vào tuyến vú thông thường là trực tiếp theo ống tuyến sữa hoặc qua các tổn thương ở tuyến vú (các xây xát, nứt nẻ, vết thương...ở vú, nhất là ở đầu núm vú). Rất ít khi do đường máu.
+ Tác nhân gây nhiễm trùng tuyến vú:
- Thường là các vi khuẩn thông thường như: tụ cầu vàng, liên cầu, phế cầu...
- Đôi khi do các vi khuẩn đặc biệt như Lao, thương hàn, Lậu...
b) Triệu chứng chẩn đoán:
+ Toàn thân:
- Có Hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc ở các mức độ khác nhau: sốt, đau đầu, mất ngủ, ăn uống kém, số lượng bạch cầu đa nhân tăng cao, tỉ lệ bạch cầu đa nhân trung tính tăng....
- Trong những trường hợp Apxe vú, bệnh nhân thường có biểu hiện nhiễm trùng nhiễm độc nặng, kèm theo bị đau đớn kéo dài (gây mất ăn, mất ngủ nhiều ngày) làm cho toàn trạng bệnh nhân suy sụp nhanh và nặng.
+ Khám tại chỗ Tuyến vú:
- Tuyến vú bị sưng nề, nóng, đỏ, rất đau (đau lan toả hoặc khư trú ở vùng vú bị nhiễm trùng). Nhiều trường hợp đau làm cho bệnh nhân không dám vận động cánh tay bên vú tổn thương, không dám cho con bú, mất ăn, mất ngủ kéo dài.
- Trong Apxe tuyến vú có thể khám thấy dấu hiệu “lùng nhùng” ở ổ Apxe.
+ Cận lâm sàng:
- Chụp Siêu âm tuyến vú: trong Apxe vú xác định được khối tổn thương có hình loãng âm, ranh giới thường rõ.
- Chọc sinh thiết hút khối tổn thương: có thể hút được mủ (giúp chẩn đoán xác định bệnh). Mủ hút ra có thể đưa đi xét nghiệm cấy khuẩn và làm kháng sinh đồ.
- Cấy khuẩn và làm Kháng sinh đồ: nhằm chẩn đoán xác định tác nhân gây bệnh và giúp chỉ định dùng kháng sinh phù hợp trong điều trị.
c) Điều trị:
Đường hướng chung là mọi trường hợp bị nhiễm trùng tuyến vú đều nên được điều trị bằng mở dẫn lưu ổ viêm và ngừng cho con bú (nếu là nhiễm trùng tuyến vú trên bệnh nhân đang cho con bú). Lý do là các nhiễm trùng trong tuyến vú rất dễ lan rộng và sâu (dọc theo hệ thống ống tuyến sữa) vào trong tổ chức mỡ lỏng lẻo của tuyến vú.
+ Với các nhiễm trùng nhẹ và rất khư trú ở tuyến vú:
- Có thể dùng gạc thấm kháng sinh đặt tại chỗ lên chỗ viêm kết hợp với kháng sinh toàn thân (thường dùng kháng sinh kháng Tụ cầu vàng nếu chưa có kháng sinh đồ vì đây là loại vi khuẩn hay gặp nhất trong nhiễm trùng tuyến vú).
- Nếu các triệu chứng không được cải thiện thật rõ ràng trong vòng 48 giờ thì cần tiến hành mở dẫn lưu ổ viêm tuyến vú.
+ Với các nhiễm trùng nặng, ở sâu và Apxe tuyến vú:
- Tiến hành mở dẫn lưu ổ viêm ( ổ Apxe).
- Dùng kháng sinh toàn thân đường tĩnh mạch trong những ngày đầu, sau đó có thể chuyển sang đường uống. Chú ý dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ.
III. Các bệnh của hệ thống ống tuyến sữa:
1. Nang sữa đóng kén (Galactocele):
a) Đại cương:
+ Nang sữa đóng kén là một bệnh ở ống tuyến sữa chính của tuyến vú. Bệnh gặp ở những phụ nữ cho con bú. Nguyên nhân là do có một hay vài ống tuyến sữa chính bị tắc nên sữa bị ứ lại, làm giãn dần và phá huỷ thành ống, phát triển quá trình viêm và xơ hoá của tổ chức xung quanh để bao lấy vùng tổn thương. Kết quả là tạo nên một Nang nằm trong tổ chức tuyến vú.
+ Nang có thể to nhỏ khác nhau. Trong lòng thường chứa đầy dịch sữa loãng hay đặc. Lớp ngoài cùng của thành Nang là tổ chức liên kết xơ tương đối chắc (trong lớp này có thể còn thâý các thành phần còn lại của ống tuyến sữa chính), lớp trong của thành nang thường có xâm nhiễm các tế bào viêm và tổ chức hoại tử.
b) Triệu chứng chẩn đoán:
+ Xuất hiện một khối trong tuyến vú ở phụ nữ có cho con bú. Khối đó thường không đau.
+ Khám vú: khối tổn thương thường nằm gần núm vú, có hình tròn hay bầu dục, mặt nhẵn, ranh giới khá rõ, mật độ mềm và đàn hồi, kích thước to nhỏ khác nhau ( đường kính có thể 1-6 cm), di động tốt, không đau. Khi bóp vào khối tổn thương có thể thấy dịch sữa chảy ra đầu núm vú.
+ Cận lâm sàng:
- Chọc hút sinh thiết tuyến vú: thấy có dịch sữa.
- Siêu âm tuyến vú: xác định được Nang trong tuyến vú.
c) Điều trị:
+ Có thể chọc hút điều trị Nang sữa đóng kén (dùng kim cỡ 22). Tuy nhiên kết quả thường không chắc chắn.
+ Nếu sau chọc hút thấy Nang lại tái phát trong vòng 2 tháng thì phải chỉ định mổ cắt bỏ Nang. Phẫu thuật này vừa để điều trị vừa để chẩn đoán mô bệnh học.
2. Giãn ống tuyến sữa (Duct ectasia):
a) Đại cương:
Bệnh Giãn ống tuyến sữa là một bệnh ở ống tuyến sữa chính của tuyến vú. Bệnh thường xuất hiện ở những phụ nữ đẻ nhiều và cho con bú nhiều năm. Sau nhiều năm cho con bú, một số hoặc tất cả các ống tuyến sữa chính sẽ bị giãn ra và chứa đầy dịch sữa, các chất dịch sữa này dần dần đặc lại tạo nên một chất giống như chất phomat. Đồng thời với quá trình này là tình trạng phản ứng viêm mãn tính xảy ra xung quanh các ống tuyến sữa bị giãn.
b) Triệu chứng chẩn đoán:
+ Hỏi bệnh:
- Thường là phụ nữ tuổi trên 40, đẻ nhiều con.
- Có nhiều khi thấy chảy dịch núm vú màu trắng hay nhờ nhờ, có lúc giống như chất Phomat.
- Có thể có tiền sử nhiễm trùng tại chỗ vùng dưới quầng vú.
+ Khám vú:
- Sờ thấy có đám cứng tạo thành các dây ở ngay dưới quầng vú, toả ra phía ngoài một vài cm.
- Nặn vú thấy có chất dịch đặc như chất Phomat dễ dàng chảy ra từ đầu núm vú. Có thể thấy rõ các chất này chỉ chảy ra từ một vài ống tuyến sữa chính.
c) Điều trị:
+ Nếu bệnh không gây phiền nhiễu gì lớn cho bệnh nhân thì có thể không cần điều trị gì đặc biệt.
+ Nếu có tình trạng nhiễm trùng tái diễn nhiều lần ở vùng các ống tuyến sữa bị giãn (thường ở vùng quanh quầng vú và dưới quầng vú) thì có thể chỉ định mổ cắt bỏ hệ thống ống tuyễn sữa chính bị giãn.
3. Bệnh Nang xơ tuyến vú (Fibrocystic):
a) Đại cương:
+ Bệnh Nang xơ tuyến vú là một bệnh ở hệ thống ống tuyến của thuỳ và tiểu thuỳ tuyến vú. Bệnh thường thấy ở lứa tuổi 35-45 với triệu chứng lâm sàng nổi bật là cảm giác đau và khó chịu tại tuyến vú liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt.
+ Nguyên nhân chủ yếu của bệnh là do tổ chức tuyến vú bị tác động kéo dài của tình trạng rối loạn cân bằng giữa Estrogen và Progesterone của cơ thể, trong đó Estrogen tăng hơn so với Progesterone (tăng nồng độ Estrogen nội sinh hoặc tăng sự nhậy cảm của tuyến vú đối với nồng độ bình thường của Estrogen nội sinh)
+ Tổn thương thường xuất hiện ở cả hai vú (tuy không đều nhau):
- Các ống tuyến sữa ở thuỳ và tiểu thuỳ tuyến vú có nhiều chỗ bị giãn ra thành các nang có kích thước to nhỏ khác nhau (0,2-1,5 cm). Trong lòng nang chứa dịch tiết và các tế bào biểu mô bị bong ra. Lớp biểu mô tuyến và tổ chức xơ ở thành nang có thể phát triển mạnh và lồi vào trong lòng nang.
- Tất cả các biến đổi trên xảy ra ở các mức độ khác nhau trong các ống tuyến thuỳ và tiểu thuỳ tuyến vú, tuỳ theo quá trình nào chiếm ưu thế mà bệnh có thể được chia ra các thể: thể xơ, thể tuyến hay thể nang. Tuy nhiên có rất nhiều sự chồng chéo cả về dấu hiệu và triệu chứng tương tự nhau đến mức mà trên lâm sàng chúng có thể được coi là một.
+ Bệnh Nang xơ tuyến vú sẽ làm tăng nguy cơ bị Ung thư vú, nhất là khi sinh thiết thấy có tình trạng tăng sản không điển hình hoặc trên bệnh nhân có tiền sử Ung thư vú gia đình.
b) Triệu chứng chẩn đoán:
+ Hỏi bệnh:
- Đại đa số bệnh nhân ở tuổi 35-45.
- Tăng cảm và đau từ nhẹ đến trung bình ở tuyến vú trước các kỳ kinh. Có trường hợp đau và khó chịu đến mức bệnh nhân không dám mặc áo ngực và không dám đụng chạm đến.
- Có thể tự sờ thấy có các chỗ lổn nhổn không đều trong tuyến vú.
- Các triệu chứng trên thay đổi theo các kỳ kinh (trước kỳ kinh các triệu chứng rõ hơn, sau kỳ kinh các triệu chứng giảm đi rõ rệt).
+ Khám vú: thường thấy tổn thương ở cả hai vú với các mức độ khác nhau.
- Có thể khám thấy có các vùng tuyến vú “dày lên” lên, mật độ tuyến vú ở vùng này chắc hơn và có các nhân nhỏ trên nền tổ chức đó. Đôi khi có thể thấy có các nang nằm riêng biệt, kích thước nhỏ (<1,5 cm), mật độ mềm hoặc chắc.
- Nắn tuyến vú thường thấy đau nhẹ. Khi thấy có chảy dịch đầu núm vú khi sờ nắn thì nên cho mổ sinh thiết tuyến vú để chẩn đoán phân biệt với Ung thư tuyến vú.
+ Cận lâm sàng:
- Sinh thiết hút tế bào bằng kim nhỏ: nếu thấy có hình ảnh tăng sản không điển hình các tế bào tuyến vú thì phải chỉ định mổ sinh thiết tuyến vú. - Mổ sinh thiết: cho kết quả chẩn đoán xác định bệnh. Chỉ định mổ sinh thiết khi có chảy dịch đầu núm vú tự phát hoặc khi chọc sinh thiết hút tế bào có nghi ngờ Ung thư vú.
- Chụp tuyến vú: do bệnh Nang xơ tuyến vú thường ở lứa tuổi vốn cần được chụp vú để chẩn đoán sàng lọc Ung thư nên Phương pháp chụp vú càng có lý do để thực hiện trên những bệnh nhân này.
c) Điều trị:
+ Giảm đau:
- Tuỳ mức độ đau mà có thể dùng các loại thuốc giảm đau khác nhau. Với các trường hợp bệnh nhẹ thì chỉ cần cho các thuốc giảm đau vào trước các kỳ kinh.
- Có thể thêm thuốc lợi tiểu nhẹ trong tuần trước kỳ kinh. Biện pháp này có tác dụng giảm giữ nước và muối trong cơ thể, nhờ đó giảm được áp lực trong tổ chức tuyến vú và giảm đau tuyến vú.
+ Chế độ ăn:
- Dùng chế độ ăn giảm cân đối với những phụ nữ béo phì (vì ăn nhiều mỡ thường làm tăng Estrogen nội sinh dẫn đến mất cân bằng Estrogen và Progesterone trong cơ thể).
- Kiêng dùng các chất Caphe, chè, Socola...
+ Các loại Vitamin:
- Vitamin B1 (Thiamine) 50-100 mg/ngày: có thể làm giảm được các Estrogen nội sinh.
- Vitamin E.
+ Điều trị bằng Hocmon:
Do có tình trạng tăng tương đối của Estrogen so với Progesterone nên có thể làm giảm được bệnh bằng cách làm giảm Estrogen hoặc tăng Progesterone. Có một số biện pháp để thực hiện được mục đích này là:
- Các thuốc chống thai đường uống (chứa nhiều Progesterone): sau 3-4 tháng rất nhiều bệnh nhân thấy các triệu chứng được cải thiện rõ ràng.
- Các thuốc Progesterone:
* Medroxyprogesterone (Provera): uống 5-10 mg/ngày trong 10 ngày trước mỗi kỳ kinh.
* Kem Progesterone (Progesterogel) để xoa bóp vú hàng ngày.
- Danazol ( một dẫn chất của 17 ethinyl-testosterone, có tác dụng giảm tiết cả Prolactin và Estrogen): có thể dùng 200-600 mg/ngày, khi thấy có tác dụng mong muốn thì dùng liều duy trì 50-100 mg/ngày trong 6-8 tháng. Thuốc có nhiều tác dụng phụ nên chỉ dùng cho các bệnh nhân bị Nang xơ tuyến vú nặng.
- Tamoxifen (có tác dụng kháng Estrogen): Tác dụng điều trị với bệnh Nang xơ tuyến vú tương tự như Danazol. Có thể uống 10 mg Î 2 lần/ngày trong 3-4 tháng, có thể nhắc lại khi cần thiết.
+ Phẫu thuật:
- Chỉ định: chỉ dùng cho các trường hợp bệnh rất nặng cần phải tiến hành sinh thiết chẩn đoán rất nhiều lần vì luôn xuất hiện các khối bệnh lý mới và ở những người có nguy cơ bị Ung thư vú cao do bị tăng sản tế bào tuyến vú không điển hình…
- Phương pháp phẫu thuật:
* Mổ cắt bỏ tuyến vú, để lại da và núm vú nhằm tạo hình lại tuyến vú.
* Đôi khi có thể chỉ định mổ cắt bỏ buồng trứng (không cắt tuyến vú): biện pháp này về khía cạnh nào đó cũng tương tự như biện pháp điều trị bằng Hocmon.
IV. Các bệnh U lành tính tuyến vú:
1. Bệnh U tuyến xơ tuyến vú (Fibroadenoma):
Tin nổi bật
- Điều trị sa sinh dục cho bệnh nhân lớn tuổi
06/02/2024 - 10:42:31
- Điều trị bệnh lý bàng quang tăng hoạt: Tiểu nhiều lần, tiểu đêm, tiểu gấp
26/11/2023 - 19:30:03
- Sỏi bàng quang tái phát do chỉ phẫu thuật sản khoa di chuyển
23/05/2022 - 12:27:46
- Các bước tán sỏi túi mật - sỏi đường mật qua da
13/02/2022 - 09:20:45
- ỨNG DỤNG PHẪU THUẬT NỘI SOI MỘT LỖ ĐIỀU TRỊ THOÁT VỊ BẸN Ở TRẺ NỮ CÓ SỬ DỤNG LASER CẮT ỐNG PHÚC TINH MẠC
06/02/2021 - 17:20:30
- Phẫu thuật cắt tuyến giáp qua đường miệng - tiến bộ mới của y học
17/12/2020 - 16:42:05