Một thợ giết mổ lợn nguy kịch vì bệnh liên cầu khuẩn
Nhập viện từ ngày 8/6, đến nay anh Dũng, 27 tuổi, làm nghề giết mổ lợn vẫn còn hôn mê. Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM xác định bệnh nhân dương tính với liên cầu lợn.
Bác sĩ Huỳnh Thị Loan, Phó khoa Cấp cứu hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM cho biết, bệnh nhân được đưa từ Bình Dương đến bệnh viện trong tình trạng rối loạn đông máu, suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy thận.
"Bệnh nhân mê man, xuất huyết dưới da. Nghi ngờ bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn, chúng tôi tiến hành cấy máu và xác định dương tính với loại khuẩn này", bác sĩ Loan cho biết.
Bệnh nhân đang được điều trị tích cực. Ảnh: Thiên Chương. |
Sau gần 4 ngày được điều trị hồi sức cấp cứu bằng kháng sinh và lọc máu liên tục, mạch huyết áp và thận bệnh nhân có cải thiện, nhưng khả năng hồi phục vẫn chưa thể dự đoán.
Người nhà bệnh nhân cho biết, anh Dũng làm nghề giết mổ lợn, sốt và mệt mỏi đến đến ngày thứ ba thì trở nặng. Kiểm tra cơ thể bệnh nhân, các bác sĩ phát hiện tay có vết đứt da, có thể từ đây liên cầu đã xâm nhập vào cơ thể bệnh nhân.
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM cho biết, từ đầu năm đến nay không có ca tử vong nào do bệnh này nhưng bệnh viện đã tiếp nhận 23 bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn. Trường hợp anh Dũng là ca bệnh có sức khỏe nguy kịch nhất.
Liên cầu khuẩn vốn là vi khuẩn thường trú trong cơ thể lợn (nhiều nhất ở cổ họng và đường sinh dục). Khi mắc bệnh tai xanh hoặc những bệnh khác, cơ thể lợn sẽ giảm đề kháng và liêu cầu khuẩn có cơ hội phát triển. Người tiếp xúc với lợn bệnh dễ bị lây.
"Nhiều bệnh nhân là người tham gia giết mổ lợn, bán thịt, vài người mắc bệnh do ăn dồi trường luộc không kỹ", tiến sĩ Châu nói.
Theo Tiến sĩ - bác sĩ Hồ Đăng Trung Nghĩa, bộ môn Nhiễm thuộc Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bệnh liên cầu khuẩn lợn ở miền Nam xuất hiện rải rác trong năm chứ không theo mùa như miền Bắc.
"Cơ chế gây bệnh chưa được chứng minh, nhưng theo thực tế tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM có khoảng 30% bệnh nhân mắc bệnh có tiếp xúc với lợn", tiến sĩ Nghĩa nói.
Cũng theo tiến sĩ Nghĩa, khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh sẽ bị nhiễm trùng máu, viêm màng não mủ. Những trường hợp nặng, không cấp cứu kịp thời có thể tử vong.
Năm 2011, có 40 trường hợp đã nhập viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới vì liên cầu khuẩn lợn, trong đó một bệnh nhân tử vong.
Đề phòng bệnh, ngoài việc tiêm phòng và kiểm nghiệm lợn trước khi giết mổ, các bác sĩ khuyên người làm nghề giết mổ hoặc buôn bán thịt nên mang găng tay. Với người tiêu dùng, không nên ăn tiết canh, cổ họng, lòng lợn, đặc biệt là dồi trường chế biến chưa thật chín.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Tin nổi bật
- Chuyên gia điều trị bệnh lý bàng quang tăng hoạt như thế nào?
04/01/2025 - 22:41:35
- Tán sỏi qua da điều trị sỏi thận cho trẻ em - PCNL for Children
01/01/2025 - 17:48:33
- Bệnh nhân tự chẩn đoán đái ra dưỡng chấp và được chúng tôi phẫu thuật nội soi
07/12/2024 - 18:49:50
- Phẫu thuật nội soi thắt ống phúc tinh mạc đầu tiên trên bản đồ Việt Nam
04/12/2024 - 22:16:35
- Đặt lịch điều trị thoát vị bẹn cho bệnh nhân người nước ngoài
30/11/2024 - 18:45:00
- Một số nguy cơ tổn thương chức năng thận và sức khỏe cơ thể do sỏi tiết niệu
27/11/2024 - 20:28:30