Sống vui khỏe trên mảnh đất hình chữ S
100 năm là một con số mang tính biểu tượng văn hóa về một quãng sống hiện đại của người Việt Nam, bắt đầu từ sau thập niên thứ nhất thế kỷ 20 đến thập niên đầu thế kỷ 21.
Có thể ví von cuộc sống người Việt trong 100 năm là tử số, biểu thị sự “hiện đại”, thì vài nghìn năm chính là mẫu số của “truyền thống”, được tính bằng lịch sử người Việt đã tồn tại và phát triển với cách sống vui khỏe do chính bàn tay, khối óc mình tạo lập. Công lao kiến tạo đất nước của người Việt qua bao thế hệ, từng được ghi nhận trong sách “Việt Nam văn hóa sử cương” của học giả Đào Duy Anh, người Việt đầu tiên viết sách nghiên cứu lịch sử văn hóa dân tộc.
Văn hóa Việt, về căn cốt, chính là nền văn hóa nông nghiệp, ứng với nền văn minh lúa nước cổ truyền khởi nguyên từ châu thổ sông Hồng mà nhân vật chủ thể của nền văn hóa này chính là người nông dân. Theo nhận xét tổng quát của Đào Duy Anh, nông dân Việt từ xưa đến nay là lớp người chủ chốt, giữ được cái tinh thần cốt yếu của văn hóa nông nghiệp nước nhà. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhận định dân tộc Việt Nam chính là một dân tộc nông dân.với cách sống vui khỏe, lành mạnh, đặc trưng của một dân tộc nghìn đời làm nghề trồng lúa.
Không phải ngẫu nhiên học giả Đào Duy Anh đã định nghĩa trong sách của mình về nông dân như sau: một là thể chất mạnh mẽ, ăn mặc sơ sài, tuy nắng mưa dầu dãi mà ít tật bệnh, nòi giống vẫn giữa được kiện toàn; hai là tinh thần trong sạch nên đạo đức càng cao. Chính vì vậy, trong lịch sử cuộc đấu tranh sinh tồn với môi trường thiên nhiên khắc nghiệt, người nông dân đã dựng lên đất nước bằng một thứ “sinh khí mạnh mẽ” từ nội lực dân tộc (ý kiến của học giả Đào Duy Anh). Bên cạnh đó, người Việt coi trọng sự quân bình âm dương trong triết lý sống dân gian: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” hoặc “đi với Bụt thì mặc áo cà sa, đi với ma thì mặc áo giấy”. Với triết lý sống lấy căn bản là sự hài hòa trong ứng xử văn hóa với tự nhiên và xã hội, người dân đã hóa giải được những tình huống lịch sử nghiệt ngã: bị “Bắc thuộc” hàng nghìn năm, bị Pháp đô hộ hàng trăm năm, rồi bị đế quốc Mỹ chia cắt đất nước thành hai miền Nam-Bắc, từ năm 1954 đến 1975.
Cách sống lạc quan, khỏe mạnh, chú trọng cân bằng âm dương trong ứng xử văn hóa với môi trường tự nhiên và xã hội đã giữ được lề lối văn hóa dân tộc. Đặc biệt, trong cuộc giao lưu, hội nhập với văn hóa phương Tây và toàn cầu, nhất là trong 100 năm cuộc sống hiện đại, đến thế kỷ XXI, người Việt đã biết tự điều chỉnh, biết thanh lọc, thích nghi, tích hợp văn hóa, để có được một cung cách sống khỏe, sống vui. Đây là những giá trị văn hóa mới, chỉ được hình thành trong bối cảnh giao lưu và hội nhập văn hóa toàn cầu, xảy ra từ đầu thế kỷ 20 đến nay.
Suốt 100 năm qua, người Việt đã sống vui khỏe trong nhiều sinh hoạt vật chất lẫn tinh thần: cách ăn uống, phòng bệnh chữa bệnh, rèn luyện thân thể, phục trang, đi lại trên đường xá đô thị, nông thôn, xây dựng nhà cửa, nhất là trong kiến trúc đô thị hiện đại. Đặc biệt, cách ứng xử với gia đình, làng xóm, anh em, bè bạn, ở trong nước và nước ngoài, cũng đều có những tiến bộ về văn hóa đối nhân xử thế. Có thể thấy, người Việt đang nỗ lực điều chỉnh và thích ứng để vượt lên những rào cản văn hóa, để tự thanh lọc và đạt đến một lối sống mang nét thanh tao của văn hóa Việt hiện đại. Đây có thể gọi là giấc mơ về văn hóa sống của người Việt đang dần trở thành hiện thực sau 100 năm trải nghiệm.
Giáo sư Trần Ngọc Thêm
Tin nổi bật
- Chuyên gia điều trị bệnh lý bàng quang tăng hoạt như thế nào?
04/01/2025 - 22:41:35
- Tán sỏi qua da điều trị sỏi thận cho trẻ em - PCNL for Children
01/01/2025 - 17:48:33
- Bệnh nhân tự chẩn đoán đái ra dưỡng chấp và được chúng tôi phẫu thuật nội soi
07/12/2024 - 18:49:50
- Phẫu thuật nội soi thắt ống phúc tinh mạc đầu tiên trên bản đồ Việt Nam
04/12/2024 - 22:16:35
- Đặt lịch điều trị thoát vị bẹn cho bệnh nhân người nước ngoài
30/11/2024 - 18:45:00
- Một số nguy cơ tổn thương chức năng thận và sức khỏe cơ thể do sỏi tiết niệu
27/11/2024 - 20:28:30