Sửa luật theo hướng mở cho hôn nhân đồng tính
Bộ Tư pháp đang trưng cầu ý kiến để sửa đổi Luật hôn nhân gia đình năm 2000, trong đó có hai nội dung lớn là khả năng công nhận hôn nhân giữa những người đồng giới và mở rộng độ tuổi được phép kết hôn.
Pháp luật Việt Nam cấm kết hôn cùng giới, song thực tế ngày càng nhiều người đồng tính muốn lập gia đình và làm đám cưới công khai. Xét thấy Luật hôn nhân gia đình hiện hành còn nhiều bất cập và chưa sát thực tế nên Bộ Tư pháp đã trưng cầu ý kiến để sửa đổi Luật hôn nhân gia đình.
Trong công văn số 3460/BTP-PLDSLT gửi các ban, ngành, đoàn thể xã hội, Bộ Tư pháp cho biết mặc dù trên thế giới đã có một số nước và vùng lãnh thổ hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính nhưng ở Việt Nam đây vẫn là một vấn đề nhạy cảm và còn nhiều quan điểm trái ngược. Hiện tại Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 nghiêm cấm những người cùng giới tính kết hôn với nhau (khoản 5, điều 10).
Đám cưới của hai chàng trai đồng tính ở Kiên Giang gây xôn xao dư luận thời gian vừa qua. Ảnh: TP. |
Bộ Tư pháp nhìn nhận, gần đây cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới Việt Nam có xu thế mở rộng, nhu cầu được kết hôn hoặc sống chung với nhau ngày càng tăng nên. Vì thế "xét về đảm bảo quyền tự do cá nhân thì việc kết hôn của những người cùng giới tính cần được công nhận".
Mặt khác, công văn đề cập: "Xét về văn hóa tập quán của gia đình Việt Nam, tính nhạy cảm xã hội của vấn đề, hậu quả xã hội của quy định pháp luật chưa được dự báo hết; thì ở thời điểm này việc thừa nhận người cùng giới tính có quyền kết hôn với nhau ở Việt Nam là còn quá sớm".
Hiện nay đa phần ý kiến của người làm luật đều đồng tình tiếp tục giữ quy định cấm hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Thực tế cho thấy việc chung sống giữa những người đồng tính là một hiện tượng xã hội có thật, từ đó phát sinh các vấn đề về nhân thân, tài sản, con cái (như nhận con nuôi)... Vì thế một số luật gia cho rằng nếu pháp luật không thừa nhận hôn nhân của người đồng tính thì phải có cơ chế pháp lý để điều chỉnh các hậu quả về nhân thân, tài sản và con cái của những người cùng giới tính.
"Thực tế xét xử của tòa án trong nhiều năm qua đã có một số vụ việc tranh chấp về tài sản giữa những người đồng tính có quan hệ sống chung nhưng chưa có cơ sở pháp lý cụ thể để giải quyết tranh chấp. Pháp luật nhiều nước cũng đã có quy định về hậu quả pháp lý của loại chung sống này", trích công văn lấy ý kiến của Bộ Tư pháp.
Bày tỏ chính kiến về vấn đề sửa đổi luật Hôn nhân và gia đình, Trung tâm ICS (tổ chức về quyền lợi người đồng tính, song tính và chuyển giới lớn nhất Việt Nam) ủng hộ việc hợp pháp hóa hôn nhân giữa những người cùng giới tính. "Hôn nhân cần được xem là quyền tự do chính đáng của mỗi con người, dù họ thuộc giới tính nào".
Đại diện tổ chức này cho rằng, nếu được pháp luật công nhận, người đồng tính sẽ được đảm bảo về quyền cá nhân, nhất là trong quá trình chung sống với nhau việc phát sinh quan hệ về nhân thân, tài sản và con cái là có thật nên cần được pháp luật bảo vệ. Thêm vào đó việc thừa nhận hôn nhân đồng giới với những ràng buộc về mặt pháp luật có thể hạn chế vấn đề về tệ nạn xã hội, nhất là mại dâm nam dẫn đến lây truyền HIV.
Theo khảo sát hồi tháng 6 của ICS hỏi ý kiến 5.000 người đồng tính về vấn đề hôn nhân, có 71,1% muốn kết hôn với người đồng giới, 24,7% muốn chung sống có đăng ký, chỉ 4,2% chấp nhận chung sống không đăng ký.
Còn trong một cuộc thăm dò ý kiến "bạn nghĩ gì về hôn nhân đồng tính?" trên VnExpress.net vào cuối tháng 6 với hơn 3.000 độc giả tham gia, có gần 80% (gần 2.400 phiếu) cho rằng nên ủng hộ họ, gần 10% (295 phiếu) phản đối kịch liệt, hơn 10% còn lại không quan tâm hoặc có ý kiến khác.
Khảo sát trên 3.000 độc giả của VnExpress.net về hôn nhân đồng tính. |
Vừa qua Pflag (Hội Phụ huynh và bạn bè người đồng tính, song tính và chuyển giới Việt Nam) đã tổ chức buổi tọa đàm "lên tiếng bảo vệ quyền cho người thân" với khách mời là các chuyên gia trong lĩnh vực vận động chính sách vì Quyền của người đồng tính (LGBT), nhà tâm lý học, nghệ sĩ. Bày tỏ quan điểm của mình, hầu hết những người tham gia tọa đàm đều bày tỏ mong muốn pháp luật thừa nhận hôn nhân đồng tính như là thể hiện "tính nhân văn" trong xã hội nhằm mang lại hạnh phúc của cộng đồng LGBT Việt Nam.
Hiện chưa có thống kê chính thức về số lượng người đồng tính ở Việt Nam. Trước đây một khảo sát của cố bác sĩ Trần Bồng Sơn ước tính cả nước có khoảng 70.000 người nam đồng tính. Trong khi một nghiên cứu khác do tổ chức phi chính phủ Care thực hiện tại Việt Nam cho thấy con số này khoảng 50.000 đến 125.000.
Việc sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình của Bộ Tư pháp lần này (dự kiến nằm trong chương trình chính thức về xây dựng luật, pháp lệnh chính thức của Quốc hội khóa 13 năm 2013) còn đề cập đến một số vấn đề hôn nhân dân sự đang được dư luận quan tâm như: nam và nữ chung sống như vợ chồng không có đăng ký kết hôn, vấn đề mở rộng điều kiện độ tuổi kết hôn...
Tin nổi bật
- Chuyên gia điều trị bệnh lý bàng quang tăng hoạt như thế nào?
04/01/2025 - 22:41:35
- Tán sỏi qua da điều trị sỏi thận cho trẻ em - PCNL for Children
01/01/2025 - 17:48:33
- Bệnh nhân tự chẩn đoán đái ra dưỡng chấp và được chúng tôi phẫu thuật nội soi
07/12/2024 - 18:49:50
- Phẫu thuật nội soi thắt ống phúc tinh mạc đầu tiên trên bản đồ Việt Nam
04/12/2024 - 22:16:35
- Đặt lịch điều trị thoát vị bẹn cho bệnh nhân người nước ngoài
30/11/2024 - 18:45:00
- Một số nguy cơ tổn thương chức năng thận và sức khỏe cơ thể do sỏi tiết niệu
27/11/2024 - 20:28:30