THOÁT VỊ BẸN TÁI PHÁT: THƯƠNG TỔN VÀ ĐIỀU TRỊ
Thoát vị bẹn rất dễ tái phát sau mổ do nhiều nguyên nhân: Khi thực hiện kỹ thuật phục hồi thành bụng, khi các nguyên nhân gây thoát vị chưa được giải quyết,.. Chính vì vậy đây là tài liệu cho chúng ta cái nhìn rộng hơn, thiết thực hơn trong khám chữa bệnh lý thoát vị tái phát.
TÓM TẮT
Mục đích: Xác định thương tổn của thoát vị bẹn tái phát và đánh giá kết quả điều trị thoát vị bẹn tái phát qua kỹ thuật mổ mở.
Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu tiền cứu tại BV bình Dân từ 2003 đến 2009, trên những bệnh nhân bị thoát vị bẹn tái phát. Tất cả đều được mổ mở lại qua ngả trước để ghi nhận thương tổn và phục hồi lại thành bụng bằng mảnh ghép hoặc không dùng mảnh ghép. Bệnh nhân được theo dõi lâu dài sau mổ để đánh giá tỷ lệ tái phát.
Kết quả: Chúng tôi đã trực tiếp mổ và theo dõi 37 BN bị thoát vị bẹn tái phát, trong số đó có 36/37 là sau mổ mở kinh điển, chỉ có 1 bệnh nhân sau phẫu thuật nội soi. Tất cả đều là nam giới, tuổi trung bình là 64 (từ 17 đến 93). Tổn thương thoát vị là 28 gián tiếp, chỉ có 8 trực tiếp và 1 đùi. Đa số được mổ lại đặt mảnh ghép gồm; 32 Lichtenstein và 1 Rutkow, còn lại là Bassini (3/37) và khâu lỗ thoát vị (1/37). Kết quả có, 1 bị phạm ống dẫn tinh và 2 biến chứng sau mổ (1 nhiễm trùng nhẹ, 1 tụ dịch bìu) và 1/33 BN (3,1%) bị tái phát sau thời gian theo dõi từ ½ - 6 năm.
Kết luận: Đa số (75%) thoát vị bẹn tái phát là loại gián tiếp và việc điều trị bằng mảnh ghép qua mổ mở tỏ ra có hiệu quả (tỷ lệ tái phát 3,1%).
SUMMARY
RECURRENT INGUINAL HERNIAS: LESIONS AND TREATMENTS
Objectives: To determine lesions and estimate the results of open surgery in treatment of recurrent inguinal hernias.
Patients and methods: Prospective study in Binh Dan hospital, from 2003 to 2009. All patients were reoperated through the anterior approach to describe their lesions and to perform the repair (using mesh or not). Patients were followed up in the long term to estimate their recurrences.
Results: There were 36/37 recurrent inguinal hernias after tissue based repairs and only 1/37 patient after laparoscopic mesh repair. All of them were male and their average age was 64 (from 17 to 93). Their lesions were: 28 indirect, 8 direct and 1 femoral. Their treatment were: 32 lichtenstein, 1 Rutkow, 3 Bassini and 1 simple suture. The surgical results were: 1 vas deferent injured, 2 postoperative complications (1 superficial infection, 1 scrotal collection), and 1 recurrence (3.1%) after ½-6 years followed up.
Conclusions: Most of recurrence (75%) were indirect and their treatment with mesh repair were effective (recurrent rates: 3.1%)
Key words: Recurrent inguinal hernia
ĐẶT VẤN ĐỀ
Tái phát là vấn đề lớn nhất trong điều trị thoát vị bẹn. Mổ lại cho những trường hợp tái phát thường khó khăn và cũng không đạt kết quả cao như mổ lần đầu. Tỷ lệ tái phát sau mổ thoát vị bẹn tái phát (TVBTP) theo kỹ thuật kinh điển (dùng mô tự thân) khoảng 16% (sau 1 năm) đến 23% (sau 5 năm) (Ijzermans). Nếu có dùng mảnh ghép phẳng theo những kỹ thuật mổ mở thì, tỷ lệ tái phát lại của TVBTP thay đổi từ 4,4%(7) đến 11,3%(4), trung bình là khoảng 8%.
Tại Việt
Do đó, chúng tôi làm nghiên cứu này nhằm mục đích:
- Đánh giá những thương tổn giải phẫu trong những trường hợp TVBTP, và qua đó có thể phần nào biết được nguyên nhân gây tái phát, giúp cho các phẫu thuật viên thêm kinh nghiệm khi mổ lần đầu nhằm hạ thấp tỷ lệ tái phát.
- Đánh giá sơ bộ kết quả điều trị TVBTP qua mổ mở, đặc biệt là kỹ thuật mổ dùng mảnh ghép của Lichtenstein.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1/ Đối tượng nghiên cứu
Những bệnh nhân thoát vị vùng bẹn tái phát do chúng tôi trực tiếp mổ và theo dõi. Những bệnh nhân nào không do chúng tôi trực tiếp mổ sẽ không đưa vào nghiên cứu.
2/ Phương pháp nghiên cứu
Tiền cứu cắt dọc
Cỡ mẫu
- tính toán bởi công thức: N= Z2 (α/2) x p (1-p)/ D2 = 34
- trong đó: Z= 1,96 (với α = 0,95), D=0,1, p= 0,1 (tính trung bình theo Bisgaard và Campanelli)
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Từ 2003 đến hết tháng 6/ 2009, chúng tôi đã trực tiếp mổ trên 34 BN bị TVB tái phát với 35 ca mổ (có một người bị tái phát 2 bên, được mổ 2 lần riêng biệt, cách nhau 2 năm). Ở đây chúng tôi tính là 35 bệnh nhân.
1/ Tuổi
Tất cả BN đều là nam giới. Tuổi thấp nhất là 17 và cao nhất là 93 tuổi, trung bình laø 64
Trong 37 người, phần lớn là hưu trí hoặc không nghề nghiệp (32 & 86,4%), 5 người còn lao động (14,6%) trong đó 3 lao động nặng và 2 lao động nhẹ.
Bảng 1: Phân bố tuổi bệnh nhân
Tuổi bệnh nhân | Số BN (n= 37) | Tỷ lệ (%) |
17 – 40 | 3 | 8,1 |
41 – 60 | 8 | 21,6 |
> 60 | 26 | 70,2 |
2/ Thời gian từ lúc mổ lần trước đến khi phát hiện tái phát
Tất cả BN đều tự phát hiện và đến tái khám tại bệnh viện
Thời gian ngắn nhất là 1 tháng và lâu nhất là 19 năm
Bảng 2: Thời gian phát hiện tái phát sau lần mổ trước
Thời gian | Số BN (n= 35) | Tỷ lệ (%) |
< 2 năm | 10 | 27 |
2,1-5 năm | 7 | 18,9 |
> 5 năm | 20 | 54 |
3/ Bệnh khác kèm theo
Chúng tôi ghi nhận có 13 bệnh nhân (35,1%) có ít nhất 1 bệnh nội khoa khác kèm theo, trong đó nhiều nhất là thiếu máu cơ tim, loạn nhịp tim, lao cũ đã điều trị, bướu lành tiền liệt tuyến, viêm dày dính màng phổi và 1 người bị xơ gan nhẹ.
4/ Phương pháp mổ trước đó
Dựa vào giấy tờ xuất viện, lời của bệnh nhân và thân nhân, lời của phẫu thuật viên cũ và dựa vào những vết tích còn lại khi mổ lại, chúng tôi ghi nhận rằng:
(1) Có 32 bệnh nhân tái phát 1 lần (86%) với lần mổ trước không rõ (20), Bassini (10), Mc Vay (1) và TEP (1).
(2) Có 5 ca bị tái phát 2 lần, chúng tôi ghi nhận:
- 2 ca bị tái phát sau 2 lần, mổ theo kỹ thuật Bassini.
- 1 ca bị tái phát sau một lần đầu mổ theo kỹ thuật Bassini và lần sau theo kỹ thuật Lichtenstein.
- 1 ca sau lần đầu mổ theo kỹ thuật Bassini và lần sau đặt mảnh ghép không rõ theo kỹ thuật gì vì mảnh ghép nằm trước cân chéo ngòai (dưới da), có lẽ là Lichtenstein nhưng đã bị làm sai kỹ thuật.
- 1 ca mổ 2 lần không biết theo phương pháp gì
Bảng 3: Phương pháp mổ trước đó
Tái phát | PP mổ lần 1 | PP mổ lần 2 | Số ca mổ (n= 37) | Tỷ lệ (%) |
Một lần (32) | Bassini |
| 10 | 27 |
Mc Vay |
| 1 | 2,7 | |
TEP |
| 1 | 2,7 | |
Không rõ |
| 20 | 54 | |
Hai lần (5) | Bassini | Bassini | 2 | 5,4 |
Bassini | Mảnh ghép | 2 | 5,4 | |
Không rõ | Không rõ | 1 | 2,7 |
5/ Tổn thương trong khi mổ
Phần lớn các ca mổ tái phát là gián tiếp lớn và vừa (28 ca & 75%, trong đó có một ca thoát vị trượt), còn lại là trực tiếp (8 ca & 21,6%) và đùi (1 ca duy nhất & 2,7%).
Bảng 4: Tổn thương của thoát vị tái phát
Tổn thương | Số ca mổ (n= 37) | Tỷ lệ (%) |
Gián tiếp: lớn | 10 | 27 |
vừa, nhỏ | 18 | 48,6 |
Trực tiếp: lớn | 6 | 16,2 |
vừa, nhỏ | 2 | 5,4 |
Đùi | 1 | 2,7 |
Nguyên nhân gây ra tái phát, không được nhận thấy rõ trong tất cả những trường hợp, nhưng chúng tôi ghi nhận được 4 ca:
- Có 3 ca chắc chắn là do nhiễm trùng (2 ca do bệnh nhân cho biết là bị nhiễm trùng trong lần mổ trước, 1 ca khi mổ lại thấy vẫn còn có mủ trong vết mổ).
- Có 1 ca mổ nội soi kiểu ngoài phúc mạc (TEP) bị di lệch mảnh ghép (chúng tôi nhận thấy bờ dưới của mảnh ghép nằm cao hơn dây chằng bẹn và do đó không che kín được sàn bẹn), nên bệnh nhân bị tái phát kiểu trực tiếp ở phía dưới bờ dưới mảnh ghép.
6/ Phương pháp mổ lại
Phần lớn trong những trường hợp tái phát, khi mổ lại, chúng tôi chủ trương ưu tiên dùng mảnh ghép.
(1) Có 33 ca (85,3%) được dùng mảnh ghép gồm:
- 32 ca được mổ theo kỹ thuật của Lichtenstein, trong đó có 1 ca tái phát sau phẫu thuật nội soi thì chúng tôi mổ vào ngả trước đặt mảnh ghép là rất dễ dàng vì hầu như không bị dính.
- 1 ca theo kỹ thuật dùng nút chận của Rutkow (ca này bị thoát vị đùi).
(2) Có 4 ca (8,8%) chúng tôi phải dùng lại kỹ thuật kinh điển vì;
- 2 ca mổ cấp cứu vì nghẹt nên chúng tôi e ngại dùng mảnh ghép (phòng mổ cấp cứu không vô trùng tốt như phòng mổ chương trình)
- 1 ca trong khi mổ thấy còn đang bị nhiễm trùng với mủ dưới da (đây cũng là ca mổ đặt mảnh ghép sai kỹ thuật mà chúng tôi đã nói ở trên). Trong ca này, chúng tôi phải tháo bỏ mảnh ghép cũ và làm lại theo kỹ thuật Bassini cải biên có tăng cường thêm 2 vạt cân chéo ngoài và để hở da.
- 1 ca (2,9%) do khi mổ lại quá dính (có lẽ do lần mổ trước bị nhiễm trùng nặng và sâu) khiến chúng tôi không thể bóc tách đủ rộng để đặt mảnh ghép theo kỹ thuật của Lichtenstein được nên chúng tôi đành khâu lại lỗ thoát vị trực tiếp khá nhỏ (khoảng 1 cm).
Bảng 4: Phương pháp mổ lại
PP mổ lại | Số ca mổ(n= 37) | Tỷ lệ (%) |
Lichtenstein | 32 | 85,3 |
Rutkow | 1 | 2,9 |
Bassini | 3 | 8,8 |
Khâu lỗ TV | 1 | 2,9 |
7/ Kết quả điều trị
Chúng tôi có 1 bệnh nhân bị tai biến phạm ống dẫn tinh trong khi mổ vì quá dính, tuy nhiên điều may mắn là không gây hậu quả đáng kể vì người bệnh này đã 93 tuổi (2,7%).Ngoài ra, chúng tôi có 3 BN bị biến chứng sau mổ gồm; 1 BN bị tụ dịch bìu sau mổ phải rạch thoát lưu (trong đó có BN bị tổn thương ống dẫn tinh nói trên), 1 tụ máu bìu và 1 trường hợp nhiễm trùng nhẹ vết mổ ở BN phải tháo bỏ mảnh ghép cũ bị nhiễm trùng mà chúng tôi đã nói ở trên.
8/ Theo dõi – Tái phát
Sau mổ, tất cả bệnh nhân đều có tái khám theo hẹn (1 tháng sau mổ).
Về lâu dài chúng tôi chủ yếu theo dõi qua điện thoại hoặc thông qua thân nhân của bệnh nhân (đa số họ cũng là nhân viên y tế của bệnh viện Bình Dân).Việc theo dõi cuối cùng thực hiện trong tháng 7 và 12 năm 2009 (lâu nhất 6 năm, sớm nhất là gần 1/2 năm).
Chúng tôi theo dõi được 33 ca (89%) (trong đó gồm, 31 ca có dùng mảnh ghép kiểu Lichtenstein, 1 ca kiểu Rutkow và 1 ca khâu lỗ thoát vị trực tiếp) được theo dõi từ 1 đến 6 năm (trung bình 3,1 năm).
Bảng 5: Thời gian theo dõi
Thời gian theo dõi | Số ca mổ (n=33) | Tỷ lệ (%) |
½ -1 năm | 8 | 23 |
1-2 năm | 9 | 27,2 |
2-3 năm | 9 | 27,2 |
3-4 năm | 2 | 6 |
4-5 năm | 3 | 9,3 |
5-6 năm | 2 | 6 |
Chúng tôi ghi nhận 1 ca bị tái phát sớm sau 4 tháng (3,03%). Đây là một ca tái phát 2 lần, lần đầu mổ theo kỹ thuật Bassini, lần sau mổ lại theo kỹ thuật của Lichtenstein. Chúng tôi cũng đã mổ lại (lần thứ 3) cho bệnh nhân này, và trong khi mổ phát hiện nguyên nhân gây tái phát do bị một lỗ hở nhỏ cạnh xương mu, chúng tôi chỉ cần khâu lại chỗ hở này và sau đó không thấy tái phát nữa.
BÀN LUẬN
1. Tổn thương và nguyên nhân tái phát
Theo nhiều nghiên cứu(7,9), dạng tái phát thường gặp nhất sau mổ dùng mô tự thân là loại trực tiếp cận xương mu vì tại đây đường khâu bị căng nhiều nhất, nhưng trong nghiên cứu này chúng tôi ghi nhận đa số tái phát lại là gián tiếp (80%), vốn là vị trí không phải là căng nhất.
Bảng 6: Tổn thương của TVBTP
Tác giả | Gián tiếp | Trực tiếp | Khác |
Ijzermans (1991) | 30% | 58% | 12% |
Campanelli (2006) | 40% | 47% | 13% |
Bisgaard (2008) | 42% | 48,8% | 9,2% |
Vương Thừa Đức | 75% | 22% | 2,7% |
Theo Lichtenstein, tái phát sau mổ được chia ra làm 2 loại; tái phát sớm và tái phát muộn.
Tái phát sớm (trước 2 năm,) thường do những nguyên nhân như do lỗi kỹ thuật, do căng hay bỏ sót thoát vị (cũng là lỗi kỹ thuật) hoặc do nhiễm trùng.
Tái phát muộn (sau 2 năm) thường do suy yếu mô trong đó cơ bản là do sự giảm thiểu chất collagen trong mô vùng bẹn. Những nghiên cứu gần đây nhận thấy, việc dùng mảnh ghép làm giảm tỷ lệ tái phát do suy yếu mô (tái phát muộn)
Đối với những kỹ thuật kinh điển, Stephenson cho rằng đây là những kỹ thuật nhằm ráp các mô lại một cách không bình thường, để phục hồi giải phẫu học bình thường, nên càng gây biến dạng thêm cho cấu trúc vốn đã có khiếm khuyết và tất yếu sẽ gây căng dù có rạch dãn(12). Kinh nghiệm cho thấy, sau phẫu thuật dùng mô tự thân có đến 50% trường hợp tái phát xuất hiện sau 5 năm(11). Sau thời gian này, khi mô bị suy yếu thì tái phát “thực sự” mới xảy ra. Những tổng kết lớn cho thấy, tỷ lệ tái phát của những kỹ thuật dùng mô tự thân không đồng đều, ở các cơ sở đa khoa là 5-15% trong khi đó ở những trung tâm chuyên về thoát vị (như Shouldice clinics) thì chỉ khoảng 1-2%.Sự khác biệt này là do kinh nghiệm của phẫu thuật viên hơn là do phương pháp mổ. Wantz (1991) đã rất đúng khi nói rằng “sự khéo léo và kinh nghiệm của phẫu thuật viên còn quan trọng hơn phương pháp mổ mà họ sử dụng”.
Đối với những kỹ thuật dùng mảnh ghép thì ngược lại, ngoại trừ những trường hợp tái phát sớm do nhiễm trùng hay do lỗi kỹ thuật, càng theo dõi lâu thì càng ít thấy tái phát. Một nghiên cứu ngẫu nhiên (tập hợp từ 15 nghiên cứu) của EU trên 4000 bệnh nhân cho thấy các kỹ thuật dùng mô tự thân tái phát nhiều hơn từ 5-6 lần so với các kỹ thuật dùng mảnh ghép(12). Từ một tổng kết trên 13647 ca mổ thoát vị bẹn nguyên phát, Bisgaard(5) nhận thấy rằng, việc dùng mảnh ghép theo kỹ thuật của Lichtenstein giúp ngăn ngừa được tái phát sau 5 năm nhưng các kỹ thuật mổ kinh điển thì không. Sau 5 năm tỷ lệ tái phát của kỹ thuật dùng mảnh ghép chỉ bằng ¼ so với các kỹ thuật mổ dùng mô tự thân.
Chúng tôi ghi nhận có 10 trường hợp tái phát sớm; trong đó có 4 tái phát do nhiễm trùng, 2 do lỗi kỹ thuật (chúng tôi có mổ lại), còn 5 trường hợp kia không rõ nguyên nhân (dù theo Lichtenstein, những tái phát sớm thường cũng là do lỗi kỹ thuật).
Trong 2 trường hợp xác định do lỗi kỹ thuật; riêng trường hợp tái phát 2 lần (mà chúng tôi có mổ lại lần thứ ba) là do đặt mảnh ghép không phủ dư trên củ mu (đây cũng là lỗi kỹ thuật thường gặp nhất sau phẫu thuật Lichtenstein(3), còn trường hợp tái phát kia là loại trực tiếp sau phẫu thuật nội soi hoàn toàn ngoài phúc mạc do di lệch mảnh ghép (vốn cũng là một lỗi kỹ thuật thường gặp trong mổ nội soi).
Những trường hợp tái phát muộn thường khó xác định được nguyên nhân mà theo Lichtenstein thì, đây mới là tái phát “thực sự” do suy yếu mô. Tuy nhiên, không phải ai cũng chấp nhận ý kiến này, như theo quan điểm của Campanelli(7) thì những trường hợp tái phát lần đầu dạng gián tiếp mà chỗ khuyết nhỏ hơn 2 cm (loại R1 của Campanelli) thường là do lỗi kỹ thuật, và nếu chấp nhận ý kiến này thì chúng tôi ghi nhận có đến ít nhất 18 trường hợp (48,6 %) tái phát là do lỗi kỹ thuật. Điều này khiến chúng ta cần cảnh giác hơn nữa về kỹ thuật mổ lần đầu có thể không tốt (lỗi kỹ thuật nhiều hơn là do suy yếu mô).
2. Điều trị TVBTP
Những năm gần đây, không những việc điều trị TVB nguyên phát mà cả TVBTP đều thay đổi theo hướng dùng mảnh ghép nhân tạo nhiều hơn. Điều này là hợp lý, vì tự thân mảnh ghép đã có tính chịu lực cao và một khi được tổ chức hóa thì nó sẽ hình thành nên một “lớp cân mới” tăng cường cho sàn bẹn sau vốn bị lão hóa do suy yếu mô.Theo Barrat(2), việc dùng mảnh ghép trong điều trị TVBTP đã tăng từ 10% (1991) lên 100% (2000), trong khi đó Shouldice ngược lại giảm từ 90% còn 0% trong cùng thời gian đó.
Ngoài ra, do sự phát triển của phẫu thuật nội soi trong những năm gần đây, việc đi vào vùng bẹn từ phía sau trong những trường hợp tái phát mà lần trước là mổ mở kiểu kinh điển đã tỏ ra lợi thế nhờ không phải đi qua vùng sẹo cũ, vốn dính nhiều mà việc gở dính có thể gây tổn thương các cấu trúc của thừng tinh(8,10).
Campanelli (2006), phân chia TVBTP ra làm 3 loại:
- Loại R1: tái phát lần đầu, “cao”, gián tiếp, đẩy vào được với chỗ khuyết nhỏ hơn 2cm trên BN không béo phì, sau mổ dùng mô tự thân hay mảnh ghép. Đối với loại R1, Campanelli chủ trương dùng kỹ thuật nút chận của Rutkow khá nhẹ nhàng, ít bóc tách mô, với gây tê tại chỗ.
- Loại R2: tái phát lần đầu, “thấp”, trực tiếp, đẩy vào được với chỗ khuyết nhỏ hơn 2 cm trên BN không béo phì, sau mổ dùng mô tự thân hay mảnh ghép. Đối với loại R2, ông dùng kỹ thuật đặt mảnh ghép tiền phúc mạc theo kỹ thuật của Wantz (cũng với gây tê tại chỗ) để tránh phải bóc tách nhiều (vốn có thể khó khăn trong trường hợp tái phát).
- Loại G3: tất cả các dạng tái phát khác bao gồm cả thoát vị đùi, TVBTP với chỗ khuyết lớn, tái phát nhiều vị trí, không đẩy vào được, phía đối bên cũng bị thoát vị nguyên phát hoặc tái phát, có yếu tố tăng nặng (thí dụ như béo phì) sau mổ dùng mô tự thân hay mảnh ghép. Đối với loại tái phát phức tạp này, Campanelli chủ trương đặt mảnh ghép tiền phúc mạc theo kỹ thuật của Wantz hoặc Stoppa (với gây mê) hay theo kỹ thuật mổ nội soi.
Nghiên cứu của Shulman (1990) trên 1402 BN bị TVBTP được điều trị bằng kỹ thuật nút chận của Rutkow cho thấy khá dễ thực hiện mà không phải bóc tách nhiều với tỷ lệ tái phát rất tốt là 1,6% (theo dõi 3-21 tháng). Kết quả này cũng phù hợp với đề xuất của Campanelli mà chúng tôi đã trình bày ở trên.
Scheuerlein (2003) khi thực hiện phẫu thuật nội soi ngoài phúc mạc cho 154 BN bị TVBTP ghi nhận có 68% bị dính, thời gian mổ trung bình là 59 phút, tai biến biến chứng trong khi mổ là 2,3%, rách phúc mạc 26% nhưng không có trường hợp nào phải chuyển mổ mở, và cũng không ghi nhận tái phát lại sau 1-2 năm. Từ đó, ông kết luận nên dùng phẫu thuật nội soi ngoài phúc mạc đối với TVBTP.
Theo Bisgaard(4), khi tổng kết từ 2117 ca mổ TVBTP đã ghi nhận, nếu lần mổ đầu là Lichtenstein, tỷ lệ tái phát lại có sự khác biệt rất có ý nghĩa nghiêng về nội soi (thay đổi từ 1,3% đối với mổ nội soi, 11,7% đối với Lichtenstein, và là 19,2% nếu không dùng mảnh ghép). Tuy nhiên, nếu lần mổ đầu không phải là Lichtenstein thì, tỷ lệ tái phát lại không có sự khác biệt ý nghĩa giữa mổ nội soi và các kỹ thuật mổ khác.
Chúng tôi nhận thấy rằng, hầu hết BN trong nghiên cứu này được mổ lần đầu bằng một kỹ thuật mổ dùng mô tự thân (chủ yếu là Bassini), việc mổ mở lại dùng mảnh ghép trong TVBTP đạt kết quả khá tốt với tỷ lệ tái phát 3%. Thực tế thì, không phải trường hợp TVBTP nào cũng thực hiện được phẫu thuật Lichtenstein, trong số 35 ca mổ:
- có 1 ca (2,7%) do quá dính khiến không thể đặt mảnh ghép được mà buộc phải khâu lại lỗ thoát vị theo kỹ thuật kinh điển, và 1 ca do gỡ dính quá khó khăn gây đứt ống dẫn tinh (2,7%)
- có 1 ca khác là thoát vị đùi và chỉ cần đặt nút chận đơn giản kiểu Rutkow là đủ,
Như vậy nhìn chung, đa số các tác giả đều ủng hộ việc dùng mảnh ghép trong điều trị TVBTP. Nhưng vấn đề là nên thực hiện theo kỹ thuật mổ nào (nói một cách khác là theo đường vào nào) là tốt nhất cho TVBTP? Theo Gianetta (2005)(8), mổ theo ngả trước nên dùng đối với TVBTP mà đã từng được mổ bằng ngả sau hay người đã từng được phẫu thuật làm dính khoang Retzius hoặc ở người già có nguy cơ gây mê cao. Ngược lại, theo Bisgaard thì, mổ theo ngả sau (gồm cả phẫu thuật nội soi) nên dành cho TVBTP đã được mổ đặt mảnh ghép qua ngả trước (như Lichtenstein chẳng hạn). Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy rằng, việc mổ lại đặt mảnh ghép theo kỹ thuật Lichtenstein thường có thể thực hiện được trong TVBTP mà lần trước đã mổ theo ngả này, chúng tôi chỉ có 1 ca duy nhất không thực hiện được như ý muốn do quá dính. Riêng đối với ca tái phát sau mổ nội soi thì việc vào bằng ngả trước là rất dễ dàng như mổ thoát vị bẹn nguyên phát.
KẾT LUẬN
Qua nghiên cứu, chúng tôi rút ra được một số kết luận như sau
1/ Khác với các báo cáo nước ngoài, đa số TVBTP (sau mổ dùng mô tự thân) ở Việt
2/ Điều trị TVBTP bằng mảnh ghép qua mổ mở ngả trước theo kỹ thuật của Lichtenstein và Rutkow có kết quả khá tốt với tỷ lệ tái phát 3,03% (sau 1/2-6 năm).
Chú ý: Khi bênh nhân bị thoáit vị bẹn tái phát cần trú trọng phát hiện nguyên nhân để điều trị: Kỹ thuật, nguyên nhân làm tăng áp lực ổ bung, ...
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Amid P.K., “How to avoid recurrence in Lichtenstein tension-free Hernioplasty” , Am J. Surg, 184, pp. 259-260, 2002.
2. Barrat C., Surlin V., Management of recurrent inguinal hernias: A prospective study of 163 cases, Hernia 2003, Vol. 7, N. 3, 125-129.
3. Bay-Nielsen M., Nordin P., Nilsson E. , “Operative findings in recurrent hernia after a Lichtenstein procedure”, Am. J. Surg, Vol. 182, pp. 134-136, 2001.
4. Bisgaard T, Bay-Nielsen M., Re-Recurrence after operation for recurrent inguinal hernia. A nationwide 8 year follow up study on the role of type of repair, Ann Surg. 2008; 247(4): 707-711.
5. Bisgaard T., Bay-Nielsen M., Chritensens I.J. Kehlet H.(Jul. 2007), Risk of recurrence 5 years or more after primary Lichtenstein mesh and sutured inguinal hernia repair, Bri J Surg., Vol. 94, Issue 8, p. 1038-1040.
6. Bùi Đức Phú, Nguyễn Lương Tấn, “Đánh giá kết quả lâu dài của các phương pháp điều trị thoát vị bẹn tại Huế”, Hội thảo thoát vị vùng bẹn, tr. 105, 1997.
7. Campanelli G., Pettinari D., Cavalli M., Avesani EC, Inguinal hernia recurrence: Classification and approach, J Min Access Surg., 2006;2: 147-50.
8. Gianetta E., Stabilini C., Recurrent inguinal hernia: what is the best approach?, Acta BioMed, 2005; 76; Suppl 1: 86.
9. Ijzermans J.N., de Wilt H., Hop W.C., Recurrent inguinal hernia treated by classical hernioplasty, Arch Surg, Vol. 126, no. 9, Sep. 1991.
10. Scheuerlein H., Schiller A., Totally extraperitoneal repair of recurrent inguinal hernia, Surg Endosc, Vol. 17, Issue 7, p. 1072-1076, Jul. 2003.
11. Shulman A. G., Amid P. K., Lichtenstein I. L., The “plug” repair of 1402 recurrent inguinal hernias. 20 year experience, Arch Surg, Vol. 125, No. 2, Feb. 1990.
12. Voyles C.R., “Outcomes analysis for groin hernia repairs”, Surg Clin North Am, Vol. 83, No. 5, pp. 1279, 2003.
Bài viết liên quan:
1. Thoát vị bẹn tái phát ở nam lớn tuổi
2. Phẫu thuật thắt ống phúc tinh mạc trong thoát vị bẹn ở trẻ em
3. Hội chứng tăng áp lực ổ bụng ( ACS) khi gắng sức
Tin nổi bật
- GIẢI PHẪU ĐƯỜNG TIẾT NIỆU TRÊN ỨNG DỤNG TRONG NỘI SOI NIỆU QUẢN - THẬN NGƯỢC DÒNG
10/08/2023 - 21:22:35
- Hướng dẫn các bước phẫu thuật điều trị tràn dịch màng tinh hoàn ở người trưởng thành
16/07/2023 - 22:11:23
- Các bước phẫu thuật nội soi sau phúc mạc cắt thận mất chức năng
08/07/2023 - 18:24:37
- MỔ MỞ ĐIỀU TRỊ THOÁT VỊ BẸN - THOÁT VỊ BẸN NGHẸT Ở TRẺ EM
20/12/2021 - 16:23:17
- Một số phẫu thuật điều trị bệnh lý ở tinh hoàn
12/12/2021 - 15:52:47
- Các kỹ thuật ngoại khoa điều trị sỏi thận không xâm lấn, ít xâm lấn và xâm lấn
06/12/2021 - 17:46:49