Ung thư buồng trứng

Thứ ba, ngày 18 tháng 9 năm 2012 | 23:15

Ung thư buồng trứng là một trong những ung thư phụ khoa gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ. Ở giai đoạn sớm, bệnh thường diễn tiến âm thầm, không triệu chứng hoặc chỉ là các triệu chứng nhẹ, không đặc hiệu. Do đó trong đa số các trường hợp, bệnh chỉ được chẩn đoán ở giai đoạn tiến triển. Tiên lượng nhìn chung cho các bệnh nhân này thường là kém. Điều trị tiêu chuẩn bao gồm phẫu thuật cắt rộng nạo vét tích cực kết hợp với hóa trị liệu. Ung thư buồng trứng có nhiều type mô học, nhưng 90% là u biểu bì. Do đó trong khuôn khổ bài viết này xin được tập trung đề cập về các dạng u biểu bì.

 

Sinh bệnh học

Carcinôm buồng trứng có thể lan rộng tại chỗ, xâm nhập hệ bạch huyết, di căn phúc mạc, phát tán theo đường máu hoặc xâm lấn xuyên qua cơ hoành. Xâm lấn lan tỏa nội phúc mạc là đặc điểm thường gặp nhất. Tế bào ung thư có thể xâm nhập bất cứ vị trí nào trong phúc mạc nhưng thưòng tập trung ở những vị trí lưu thông chậm của dịch phúc mạc. Nắm vững cơ chế phát tán của tế bào ung thư sẽ giúp có hướng phân loại độ (staging), xử trí phẫu thuật cắt rộng nạo vét và hóa trị liệu nội phúc mạc một cách hợp lý. Ngoài ra, u lan tỏa sớm qua đường máu thường ít gặp trong lâm sàng, nhưng lại không phải hiếm thấy ở những trường hợp đã tiến triển xa.

Tần suất

Ở Hoa Kỳ: Khoảng 22,430 cas ung thư buồng trứng mới được chẩn đoán mỗi năm. Khoảng 1 trên 70 phụ nữ sẽ bị ung thư buồng trứng trong thời gian sống của họ. Tỉ lệ ung thư buồng trứng trên toàn bộ các trường hợp ung thư mới mắc là 3%.
Tỉ lệ tử vong
Nhìn chung, tiên lượng ung thư buồng trứng còn kém, với 45% sống sót sau 5 năm. Khoảng 15.280 phụ nữ Mỹ chết mỗi năm do ung thư buồng trứng.
Tiên lượng Ung thư buồng trứng có liên hệ chặt với giai đoạn của bệnh lúc chẩn đoán.
Ung thư buồng trứng phân giai đoạn dựa theo hệ thống phân loại của Liên Đoàn Sản Phụ Khoa Quốc Tế FIGO (International Federation of Gynecology and Obstetrics). Khoảng 20%, 5%, 58%, và 17% phụ nữ đến khám tương ứng với các giai đoạn I, II, III, and IV.
Độ tuổi
Thường hiếm gặp ở bệnh nhân dưới 40 tuổi, sau 40 tuổi thì tỉ lệ bệnh tăng dần.
Đa số trường hợp được chẩn đoán ở tuổi 70.
Bệnh sử
Ung thư buồng trứng không có triệu chứng và dấu chứng đặc hiệu. Đa số bệnh nhân đến khám với các triệu chứng đã kéo dài nhiều tháng.
Các triệu chứng
- Đau bụng, đau vùng chậu
- Ra huyết âm đạo
- Lình bình đầy hơi
- Trướng bụng
- Kinh nguyệt không đều
- Thay đổi thói quen đi tiêu
Thực thể
Khám lâm sàng thường không phát hiện bất thường ở giai đoạn sớm.
Khi bệnh đã tiến triển xa, các triệu chứng thường gặp là:
- Mass ở hố chậu hoặc buồng trứng
- Dịch báng
- Tràn dịch màng phổi
- Mass ổ bụng hoặc tắc ruột.
Nguyên nhân
Theo kinh điển, ung thư buồng trứng được xem là có nguồn gốc từ tế bào thanh mạc buồng trứng. Tuy nhiên, một số tác giả lại gợi ý về một nguồn gốc tế bào khác. Nguyên nhân chính xác của ung thư buồng trứng hiện vẫn chưa rõ ràng, nhưng đã nhận diện được một số nguy cơ và yếu tố góp phần.
+ Yếu tố sinh sản
- Sinh sản là yếu tố quan trọng. Phụ nữ đã sinh nở sẽ giảm 50% nguy cơ ung thư buồng trứng so với phụ nữ chưa sinh. Có thai nhiều lần càng tăng tác dụng bảo vệ.
- Thuốc ngừa thai làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng
- Các nhân tố trên hậu thuẫn cho lý thuyết cho rằng ung thư buồng trứng có liên hệ với sự rụng trứng và tất cả những tác nhân ức chế chu kỳ rụng trứng đóng vai trò bảo vệ quan trọng.
- Ung thư buồng trứng có thể phát triển từ một quy trình sửa chữa bất thường trên bề mặt của buồng trứng đã bị vỡ ra và sau đó lành lại. Do đó xác suất ung thư buồng trứng có thể liên quan đến số chu kỳ rụng trứng.
+ Yếu tố di truyền.
- Tiền sử gia đình đóng vai trỏ quan trọng trong bệnh lý ung thư buồng trứng.
- Nguy cơ ung thư buồng trứng chiếm khoảng 1.6% trong dân số tổng quát. Tuy nhiên nguy cơ này sẽ tăng lên 4-5% nếu có một thành viên cùng huyết thống độ 1 trong gia đình mắc phải, và tăng đến 7% khi có 2 thành viên trong gia đình cùng bị.
- Tiền sử ung thư vú sẽ tăng nguy cơ hình thành ung thư buồng trứng
+ Ung thư buồng trứng di truyền
- Các gia đình có nhiều người cùng bị ung thư buồng trứng (đơn độc hay kết hợp với các loại ung thư khác) được định nghĩa là mắc bệnh ung thư buồng trứng di truyền.
- Ít hơn 5% tất cả ung thư buồng trứng có yếu tố gia đình. 2 hội chứng sau đã được nhận diện rõ ràng.
Hội chứng ung thư vú-buồng trứng: Ung thư vú và buồng trứng khởi phát sớm. Di truyền có tính trội qua nhiễm sắc thể thường (autosomal dominant transmission). Có thể di truyền từ cha lẫn mẹ. Đa số trường hợp liên quan đến đột biến ở gen BRCA1. BRCA1 là một gen ức chế tế bào ung thư thư tăng trưởng nếu hoạt động bình thường; sự thừa hưởng đột biến alleles của gen BRCA1 làm tăng nguy cơ hình thành ung thư buồng trứng.
Hội chứng Lynch II hoặc Hội chứng ung thư đại trực tràng di truyền không do polyp (hereditary nonpolyposis colorectal cancer): Các gia đình này có nguy cơ cao bị ung thư đại trực tràng, nội mạc tử cung, dạ dày, ruột non, vú, tụy và buồng trứng. Hội chứng này xảy ra do có đột biến ở các gen có nhiệm vụ sửa chữa sai sót trong giai đoạn phân bào.
Chẩn đoán phân biệt
+ U phần phụ
+ Cổ trướng
+ Hội chứng ruột kích thích
+ Nang buồng trứng
+ Ung thư tụy
+ Ung thư trực tràng
+ Carcinôm tuyến của dạ dày
+ Ung thư dạ dày
+ U ruột thừa
Xét Nghiệm
Giới hạn đến mức tối thiểu các xét nghiệm tiền phẫu nếu đã nghi ngờ có ung thư buồng trứng trên một mass ở hố chậu hoặc buồng trứng. Nên gửi bệnh nhân làm phẫu thuật sớm để chẩn đoán và xác định phân loại giai đoạn.
Các xét nghiệm tiền phẫu bao gồm: CBC, xét nghiệm sinh hoá, CA-125. CA-125 có thể trong giới hạn bình thường ở 50% trường hợp ung thư buồng trứng.
Hình ảnh học
+ Siêu âm bụng tổng quát.
+ Siêu âm qua ngả âm đạo, MSCT 64 ổ bụng
+ Xquang phổi
+ CT scan lồng ngực nếu cần thiết.
Các xét nghiệm khác
Ở bệnh nhân có carcinomatosis ổ bụng lan toả kèm triệu chứng tiêu hoá, cần thăm dò kỹ ống tiêu hoá bao gồm: Nội soi dạ dày, nội soi đại tràng.
Thủ thuật
Sinh thiết
- Chọc hút bằng kim nhỏ (FNA) hoặc sinh thiết qua da một mass ở phần phụ thay vì phẩu thuật thường không được khuyến khích, động tác này có thể làm cho việc chẩn đoán và xác định giai đoạn của ung thư bằng phẫu thuật bị đình trệ.
- Khi đã nghi ngờ ung thư buồng trứng nên tiến hành ngay phẫu thuật để chẩn đoán và xác định giai đoạn bệnh
- Nên thực hiện chọc hút FNA hoặc chọc dò ổ bụng để chẩn đoán khi có carcinomatosis lan toả hoặc cổ trướng mà không thấy mass buồng trứng rõ rệt.
Giải phẫu bệnh
U thượng bì chiếm 90% các ung thư buồng trứng. Các hình ảnh mô học khác bao gồm (1) u buồng trứng dạng chuyển tiếp có độ ác tính thấp, (2) u mô đệm, (3) u tế bào mầm, (4) carcinôm phúc mạc nguyên phát và (5) u di căn buồng trứng.
X- Phân loại giai đoạn
FIGO phân giai đoạn ung thư buồng trứng như sau:
Giai đoạn I – U khu trú giới hạn ở buồng trứng
- Giai đoạn Ia - Giới hạn ở 1 buồng trứng, không dịch ổ bụng, Không u trên bề mặt ngoài, bao nguyên vẹn
- Giai đoạn Ib – U giới hạn ở 2 buồng trứng, không dịch ổ bụng, không u trên bề mặt ngoài, bao nguyên vẹn
- Giai đoạn Ic – U ở giai đoạn Ia hoặc Ib nhưng có u trên bề mặt của 1 hoặc 2 buồng trứng, bao đã vỡ, dịch ổ bụng hoặc dịch rửa phúc mạc có hiện diện tế bào ác tính.
Giai đoạn II – U trên 1 hoặc 2 buồng trứng, lan đến vùng chậu
- Giai đoạn IIa – Lan rộng và/ hoặc di căn đến tử cung và vòi trứng
- Giai đoạn IIb – Lan đến các mô khác trong vùng chậu
- Giai đoạn IIc – Giai đoạn IIa hoặc IIb nhưng với u trên bề mặt của 1 hoặc cả 2 buồng trứng, vỡ bao, dịch ổ bụng hoặc dịch rửa ổ bụng có hiện diện tế bào ác tính.
Giai đoạn III – U xâm lấn 1 hoặc 2 buồng trứng, xâm lấn phúc mạc ngoài vùng chậu và/hoặc hạch bẹn sau phúc mạc; di căn bề mặt gan.
- Giai đoạn IIIa – U giới hạn ở vùng chậu, chưa di căn hạch nhưng đã có bằng chứng mô học ác tính trên bề mặt phúc mạc
- Giai đoạn IIIb – Xác định có xâm lấn bề mặt phúc mạc ngoài vùng chậu; chưa có xâm lấn vượt 2 cm đường kính, chưa di căn hạch
- Giai đoạn IIIc – Xâm lấn ổ bụng > 2 cm đường kính và/hoặc di căn hạch
Giai đoạn IV – Di căn xa; dịch màng phổi có tế bào ác tính, di căn chủ mô gan
ĐIỀU TRỊ
Điều trị nội khoa
Điều trị ung thư buồng trứng bắt đầu bằng việc phân giai đoạn bằng phẫu thuật và cắt bỏ nạo vét mô ác tính. Dựa trên phân giai đoạn lúc phẫu thuật, bệnh nhân được xếp vào nhóm có bệnh giới hạn (giai đoạn I và II) hoặc bệnh đã tiến triển xa (giai đoạn III và IV).
Bệnh nhân có bệnh giới hạn được xếp vào nhóm có nguy cơ tái phát thấp hoặc cao như sau
- Nguy cơ tái phát thấp bao gồm:
+ Giai đoạn 1 hoặc 2
+ Không u trên mặt ngoài buồng trứng
+ Tế bào học phúc mạc âm tính
+ Không dịch ổ bụng
+ U phát triển khu trú ở buồng trứng
- Nguy cơ tái phát cao bao gồm
+ Bệnh ở giai đoạn 3
+ Vỡ bao trước phẫu thuật
+ U mặt ngoài buồng trứng
+ Tế bào học phúc mạc dương tính.
+ Dịch ổ bụng
+ U phát triển ngoài buồng trứng
+ U tế bào sáng (Clear cell tumors)
+ Phân loại phẫu thuật giai đoạn II.
Về điều trị sau phẫu thuật, hóa trị liệu được chỉ định ở tất cả các trường hợp ung thư buồng trứng, ngoại trừ các trường hợp đã được phân là giai đoạn 1 về mặt phẫu thuật và mô học có đặc điểm nguy cơ tái phát thấp.
Đối với các bịnh nhân nữ có carcinomatosis ổ bụng, chưa xác định được u nguyên phát, cần xem xét:
- Thường các bịnh nhân nữ có carcinomatosis nhưng không tìm thấy mass rõ rệt ở vùng chậu. Trong nhiều trường hợp, tìm kiếm thật kỹ lưỡng các u ở ống tiêu hóa cũng không xác định được u nguyên phát.
- Nên xem xét việc điều trị các bịnh nhân này theo hướng giả định họ có ung thư buồng trứng hoặc ung thư phúc mạc nguyên phát. Điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ nạo vét và hóa trị liệu với căn bản là chất platin
Phẫu thuật
Điều trị tiêu chuẩn ung thư buồng trứng bao gồm phân loại độ tiến triển và phẫu thuật cắt bỏ nạo vét toàn bộ mô ung thư càng nhiều càng tốt.
Phân độ phẫu thuật
- Nếu bệnh khu trú ở vùng chậu, cần chỉ định phân độ phẫu thuật hợp lý.
- Qui trình phân độ nên bao gồm (1) tế bào học phúc mạc, (2) sinh thiết phúc mạc ở nhiều vị trí, (3) cắt mạc nối, và (4) lấy mẫu hạch ở vùng chậu và hạch quanh động mạch chủ.
Phẫu thuật cắt lọc nạo vét mô ung thư
- Nên được làm bởi bác sĩ chuyên về ung thư phụ khoa, và vào lần mở bụng đầu tiên.
- Số lượng mô ung thư còn sót lại sau lần phẫu thuật này là yếu tố tiên lượng có giá trị nhất.
- Tiên lượng bệnh nhân sau phẫu thuật cắt lọc nạo vét: Bệnh nhân ung thư buồng trứngđược phân loại thành 3 nhóm như sau, dựa trên khối lượng u còn sót sau phẫu thuật :
+ Nhóm 1: Nguy cơ thấp – Bệnh lý thấy được qua kính hiển vi ngoài vùng chậu (giai đoạn IIIa) hoặc nhìn thấy bằng mắt thường < 2 cm ngoài vùng chậu (giai đoạn IIIb)
+ Nhóm 2: Nguy cơ trung bình – Mô bệnh lý < 2 cm ngoài vùng chậu sau khi phẫu thuật
+ Nhóm 3: Nguy cơ cao – Sang thương > 2 cm sau phẫu thuật hoặc sang thương ngoài phúc mạc
Phẫu thuật nạo vét bổ sung
- Thực hiện trên những bệnh nhân chưa được phẫu thuật nạo vét triệt để ở lần mổ đầu tiên.
- Bệnh nhân nhận 3 đợt hóa trị sau mổ. Khoảng 60% bệnh nhân lúc đó có thể được nạo vét tối ưu. Sau mổ nạo vét lại tiếp tục thực hiện thêm 3 đợt hóa trị nữa.
- Một cuộc nghiên cứu ngẫu nhiên ở Châu Âu đã chứng minh rằng phương thức điều trị như trên đã cải thiện được tình trạng các bệnh nhân ung thư buồng trứng ở giai đoạn tiến triển.
- Phẫu thuật nạo vét bổ sung có thể được xem xét thực hiện trên các bệnh nhân chưa được phẫu thuật nạo vét triệt để ở lần mổ đầu tiên.
Hội Chẩn
Hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa ung bướu phụ khoa nếu nghi ngờ ung thư buồng trứng.

THUỐC ĐIỀU TRỊ
- Thuốc hóa trị: Hóa trị liệu đúng tiêu chuẩn sau khi phẫu thuật là sự phối hợp của platin với paclitaxel. Cisplatin và paclitaxel hoặc carboplatin và paclitaxel là những phối hợp đã được chấp thuận. Các nghiên cứu ngẫu nhiên cho thấy hai phối hợp trên có tác dụng tương đương trong việc cải thiện tỉ lệ sống sót. Tuy nhiên, do dễ dung nạp hơn, phối hợp carboplatin and paclitaxel thường được dùng nhiều hơn. ở bịnh nhân điều trị bằng cisplatin, nên dùng paclitaxel tiêm truyền trong khoảng thời gian 24 giờ để giảm nguy cơ nhiễm độc thần kinh. Một dạng phối hợp khác dùng kết hợp carboplatin với docetaxel.
- Hóa trị liệu nội phúc mạc: Kết quả từ 3 nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên cho thấy ở các bệnh nhân đã được mổ nạo vét tích cực dùng hóa trị liệu nội phúc mạc (cisplatin) hiệu quả hơn dùng truyền tĩnh mạch. 3 cuộc hồi cứu gần đây cho thấy hóa trị nội phúc mạc cải thiện tỉ lệ sống sót. Tuy nhiên phương pháp này cũng đi kèm với độc tính cao hơn. Viện Ung Thư Quốc Gia Mỹ đã ra thông báo ủng hộ việc hóa trị nội phúc mạc trên bịnh nhân ung thư buồng trứng đã được mổ nạo vét tối đa.
- Hóa trị hỗ trợ: Đối với các bệnh nhân ung thư buồng trứng tiến triển không thể tiến hành mổ cắt bỏ và nạo vét ngay lúc đầu có thể bắt đầu điều trị bằng 2-3 đợt hóa trị quy ước, sau đó lượng giá lại để phẫu thuật nạo vét thì 2. Tuy nhiên tích cực mổ cắt lọc nạo vét lúc đầu vẫn là động thái điều trị đúng chuẩn mực nhất trong đa số trường hợp.
- Hóa trị duy trì: Đa số bệnh nhân ung thư buồng trứng đều có đáp ứng lâm sàng tốt sau phẫu thuật nạo vét và hóa trị với platin. Tuy nhiên, 50% bịnh nhân tái phát và sau đó tử vong vì bệnh. Do đó những chiến lược để giảm thiểu nguy cơ tái phát đã được tìm kiếm. Một nghiên cứu ngẫu nhiên pha III đã được báo cáo cho thấy có cải thiện về tỉ lệ sống sót không mang bịnh (disease-free survival -DFS) trên các bịnh nhân được điều trị duy trì với 12 đợt hóa trị bằng paclitaxel.
- Hóa trị hàng thứ 2: Đa số bệnh nhân ung thư buồng trứng đều bị tái phát. Dựa trên khoảng thời gian không bệnh lý (disease-free interval) sau khi hoàn tất hoá trị, bệnh nhân được chia làm 2 nhóm:
+ (1) nhạy platin (tái phát >6 tháng sau lần hoá trị đầu tiên)
+ (2) kháng platin. Các bệnh nhân nhạy platin có thể sẽ tiếp tục đáp ứng tốt với thuốc hoá trị chứa platin. Xác suất đáp ứng sẽ tăng theo sự lâu dài của khoảng thời gian không bệnh (disease-free interval).
Các kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy hoá trị phối hợp cải thiện tỉ lệ đáp ứng, tỉ lệ sống sót không diễn tiến bệnh và tỉ lệ sống sót gộp chung lại. Một số thuốc hoá trị có khả năng tạo đáp ứng ở một số bệnh nhân bị ung thư buồng trứng đã đề kháng với platin. Đó là liposomal doxorubicin, topotecan, etoposide dùng đường uống, gemcitabine, docetaxel, và vinorelbine. Các tác nhân khác có thể dùng được là ifosfamide, 5-fluorouracil với leucovorin, và altretamine (Hexalen). Tamoxifen, một chất kháng estrogen dùng đường uống, có tác dụng khiêm tốn, ít độc tính.
Loại thuốc: Tác nhân hoá trị
Cisplatin, carboplatin, và paclitaxel là những thuốc hoá trị đã được công nhận cho đợt điều trị đầu tiên. Kết quả từ những nghiên cứu ngẫu nhiên cho thấy các phối hợp có chứa platin thường hiệu quả hơn. Ngoài ra, kết hợp platin với paclitaxel tác dụng tốt hơn so với không có paclitaxel.
1- Cisplatin (Platinol)
Mô tả: Liên kết chéo trong chuỗi DNA và ức chế tiền chất của DNA
Liều người lớn: 60-100 mg/m2 TTM mỗi 3 tuần
Liều trẻ em: Chưa xác định
Chống chỉ định: Dị ứng, suy thận, suy tuỷ, rối loạn thính giác
Tương tác thuốc: Tăng độc tính bleomycin và acid ethacrynic
Thai nghén: Xếp loại nguy cơ cho thai nhóm D
Thận trọng: Bịnh lý thận mất potassium và magnesium, bịnh lý thần kinh ngoại biên , gây nôn và buồn nôn, suy tuỷ

2- Carboplatin (Paraplatin)
Mô tả
Cùng nhóm với cisplatin. Hiệu quả tương tự cisplatin nhưng ít độc tính hơn. Liều dùng dựa theo công thức: Tổng liều (mg) = (target AUC) X (GFR = 25) trong đó AUC (vùng dưới nồng độ trong huyết tương-đường cong thời gian) tính bằng mg/mL/phút và Độ lọc cầu thận GFR (glomerular filtration rate) tính bằng mL/phút
Liều người lớn: Target AUC of 4-7.5 TTM mỗi 3-4 tuần
Liều trẻ em: Chưa xác định
Chống chỉ định: dị ứng; suy tuỷ
Tương tác thuốc: Độc tính thận tăng khi dùng chung với các aminoglycoside và các thuốc có độc tính trên thận khác
Thai nghén: Xếp loại nguy cơ trên thai nhóm D
Thận trọng: Độc tính trên thận, thần kinh ngoại biên , nôn và buồn nôn ít hơn cisplatin; gây suy tuỷ
3- Paclitaxel (Taxol)
Mô tả: Tác dụng polymer-hoá tubulin và ổn định hoá microtubule
Liều người lớn: 175 mg/m2 trong 3 giờ TTM mỗi 3 tuần; xen kẽ, 135 mg/m2 trong 24 giờ TTM mỗi 3 tuần
Liều trẻ em: Chưa xác định
Chống chỉ định: Dị ứng với paclitaxel; bịnh lý thần kinh ngoại biên; suy tuỷ; bịnh tim nặng
Tương tác thuốc: Dùng chung với cisplatin sẽ tăng nguy cơ suy tuỷ
Thai nghén: Nguy cơ cho thai nhóm D
Thận trọng: Cần sử dụng trước steroids, thuốc ức chế H1 và H2 cho bịnh nhân để giảm nguy cơ dị ứng ; suy tuỷ, rụng tóc, bệnh thần kinh ngoại biên, đau cơ khớp và loạn nhịp tim.
 
4- Liposomal doxorubicin (Doxil)
Mô tả: Can thiệp vào sự tổng hợp nucleic acid bằng cách chen ngang vào các cặp nucleotide của DNA và ức chế topoisomerase II.
Liều người lớn: 40-50 mg/m2 TTM mỗi 4 tuần
Liều trẻ em: Chưa xác định
Chống chỉ định: Dị ứng; suy tim nặng, bịnh cơ tim, suy tuỷ, suy gan
Tương tác thuốc: giảm nồng độ phenytoin và digoxin trong huyết tương; phenobarbital làm giảm nồng độ trong huyết tương; cyclosporine có thể gây hôn mê co giật; mercaptopurine tăng độc tính; cyclophosphamide tăng độc tính cho tim
Thai nghén: Nguy cơ cho thai nhóm D
Thận trọng: Độc tính tim và suy tuỷ không hồi phục; hoại tử mô tại chỗ tiêm nghiêm trọng nếu thuốc thoát ra ngoài thành mạch; giảm liều ở bịnh nhân suy gan; phản ứng tiêm truyền, viêm niêm mạc, độc tính trên da (đỏ và đau lòng bàn tay, bàn chân); nôn và buồn nôn; rụng tóc và độc trên tim.
Loại thuốc: Tác nhân chống tân sinh
Các tác nhân này ức chế sự tăng trưởng và sinh sản của tế bào
5- Topotecan (Hycamtin)
Mô tả: Ức chế topoisomerase I, ức chế sao chép DNA.
Liều người lớn: 1.5 mg/m2/ngày TM trong 5 ngày mỗi 4 tuần
Liều trẻ em: Chưa thiết lập
Chống chỉ định: Dị ứng; suy tuỷ, suy thận
Tương tác thuốc: Dùng chung với các thuốc chống tân sinh khác gây giảm bạch cầu và tiểu cầu
Thai nghén: Nguy cơ thai nhóm D
Thận trọng: Suy tuỷ, viêm da, buồn nôn, nôn. Cần theo dõi hoạt động của tuỷ xương

6- Gemcitabine (Gemzar)
Mô tả: Tương tự Cytidine. Chuyển hoá nội tế bào thành nucleotide hoạt động. Ức chế ribonucleotide reductase và cạnh tranh với deoxycytidine triphosphate để gắn kết vào DNA. Chỉ định cho u buồng trứng tiến triển (đã tái phát < 6 tháng sau khi chấm dứt hoá trị với platin). Dùng phối hợp với carboplatin.
Liều người lớn: 1000 mg/m2 TTM trên 30 phút trong các ngày 1 và 8 mỗi chu kỳ 21-ngày; dùng carboplatin vào ngày 1 sau gemcitabine
Liều trẻ em: Chưa xác định
Chống chỉ định: Tiền sử dị ứng
Tương tác thuốc: Chưa có báo cáo
Thai nghén: Nguy cơ cho thai nhóm D
Thận trọng: Suy tuỷ, mất tiểu cầu, hội chứng giả cúm, tăng men gan, sẩn ngứa, ngứa, nôn và buồn nôn, khó thở, tiểu máu, tiểu đạm, tán huyết.

THEO DÕI
1. Đề phòng
+Thai nghén và thuốc ngừa thai uống kéo giảm đáng kể tỉ lệ ung thư buồng trứng.
+Cắt dự phòng buồng trứng và phần phụ 2 bên được chỉ định cho phụ nữ có nguy cơ cao, nhất là ở những phụ nữ có nguy cơ ung thư buồng trứng di truyền (vd mang gen BRCA). Phẫu thuật dự phòng giảm nguy cơ xuống ít nhất 90%. Không thể đề phòng được tất cả các trường hợp ung thư buồng trứng vì vẫn còn nguy cơ hình thành carcinom nguyên phát tại phúc mạc
Hiện chưa có phương pháp tầm soát ung thư buồng trứng nào được chấp thuận. Tuy nhiên, siêu âm qua ngã âm đạo và xét nghiệm marker CA-125 được khuyên dùng ở những phụ nữ có nguy cơ cao.
2. Tiên lượng
+ Tỉ lệ sống sót 5 năm như sau:
Giai đoạn I - 73%
Giai đoạn II - 45%
Giai đoạn III - 21%
Giai đoạn IV – dưới 5%

 



Ý kiến bạn đọc