BONG GÂN VÀ TRẬT KHỚP TRONG CHẤN THƯƠNG THỂ THAO
Đây là bài viết hay về các vi chấn thương trong lao động, sinh hoạt và thể thao mà các bạn trẻ cần phải tham khảo. Bài viết cung cấp lượng thông tin cô đọng cho các bác sĩ lâm sàng mới bước theo chuyên ngành chấn thương thể thap
BONG GÂN VÀ TRẬT KHỚP TRONG CHẤN THƯƠNG THỂ THAOBong gân là thuật ngữ dân gian nhằm chỉ những tổn thương làm căng dãn, đứt một phần hoặc hoàn toàn dây chằng- là cấu trúc kết nối xương với xương, có vai trò làm vững khớp- dẫn đến tình trạng mất vững khớp nhưng chưa gây trật khớp.
Trật khớp là sự di chuyển bất thường của các đầu xương khiến cho diện tiếp khớp của các đầu xương bị sai lệch. Trật khớp là hậu quả của những chấn thương nặng và thường kèm theo tình trạng tổn thương nặng nề của dây chằng, bao khớp và các cấu trúc xung quanh.
Hình 1: Bong gân cổ chân do chấn thương lật cổ chân
Nhận biết bong gân, trật khớp
Bong gân, trật khớp có thể xảy ra ở tất cả các khớp nhưng thường gặp ở khớp cổ chân, khớp gối, khớp cổ tay, khớp khuỷu và khớp vai. Bong gân, trật khớp thường là hậu quả của những chấn thương đột ngột, gắng sức do cơ chế chấn thương trực tiếp hoặc gián tiếp vào vùng khớp gây nên, thường gặp trong tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt hay chấn thương thể thao.
Biểu hiện của bong gân rất thay đổi, tùy thuộc vào mức độ nặng của tổn thương. Các triệu chứng của bong gân thường là đau, sưng nề, bầm tím tụ máu vùng khớp, giảm khả năng vận động khớp và chi thể bị tổn thương. Trong trường hợp nặng, bong gân dẫn đến lỏng khớp và mất chức năng của khớp.
Hình 2: Tổn thương dây chằng sên mác trước do chấn thương cổ chân
Trật khớp thường có biểu hiện nặng hơn nhiều so với bong gân. Các triệu chứng của trật khớp bao gồm biến dạng khớp, sưng nề và bầm tím phần mềm xung quang khớp, đau rất nhiều, không vận động được khớp bị trật, có cảm giác tê bì, kiến bò vùng chi thể phía dưới khớp bị trật. Trật khớp có thể gây biến chứng tổn thương mạch máu và thần kinh kèm theo.
Các tổn thương thường gặp trong bong gân và trật khớp thường gặp:
- Khớp vai: Trật khớp vai tái diễn do tổn thương sụn viền và bao khớp phía trước. Rách gân cơ chóp xoay, tổn thương sụn viền, tổn thương đầu dài gân cơ nhị đầu.
- Khớp khuỷu: Trật khớp khuỷu, tổn thương đầu xa gân cơ nhị đầu cánh tay
- Khớp cổ tay: Trật khớp quay trụ dưới, tổn thương phức hợp sụn sợi.
- Khớp gối: Đứt dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau, dây chằng bên trong, dây chằng bên ngoài, rách sụn chêm, trật bánh chè tái diễn…
- Khớp cổ chân: Tổn thương dây chằng delta, dây chằng sên mác trước…
Nhiều người cho rằng bong gân, trật khớp là những thương tích nhẹ, có thể tự điều trị. Dùng dầu nóng, rượu ngâm xoa vào vùng chi thể bị bong gân, trật khớp có thể để lại những hậu quả khôn lường. Điều trị đắp thuốc lá- những phương thức điều trị dân gian chưa được kiểm chứng- có thể để lại những biến chứng và di chứng nặng nề. Hậu quả của điều trị bong gân, trật khớp không đúng làm cho triệu chứng của bệnh kéo dài, teo cơ, cứng khớp và mất chức năng của khớp.
Những điều cần làm khi bị bong gân
Bong gân nhẹ có thể tự điều trị tại nhà, bong gân nặng cần đến gặp bác sỹ để được chẩn đoán mức độ nặng, điều trị và theo dõi sau điều trị. Xử trí cấp cứu khi bị bong gân cần thực hiện theo nguyên tắc sau:
- Để chi thể bị tổn thương được nghỉ ngơi. Trong trường hợp bong gân nhẹ, cần hạn chế vận động khớp bị tổn thương. Nếu tổn thương khớp chi dưới, cần hạn chế đi lại hoặc hỗ trợ đi lại bằng nạng. Nếu tổn thương khớp chi trên cần tránh các động tác gây đau cho khớp. Khi người bệnh đỡ đau có thể nhẹ nhàng tập vận động trở lại. Trong trường hợp bong gân nặng, cần phải để khớp bị thương tổn ở tư thế cơ năng- là tư thế mà khớp được nghỉ ngơi hoàn toàn. Người bệnh thường được bó bột hoặc nẹp bột để hỗ trợ cho khớp ở tư thế cơ năng. Sau 4- 6 tuần, có thể cho người bệnh tập vận động trở lại.
- Chườm lạnh: Nên sử dụng túi chườm lạnh để thực hiện chườm lạnh cho vùng khớp bị thương tổn. Chườm lạnh cần được thực hiện càng sớm càng tốt ngay sau khi bị chấn thương, trong khoảng 15- 30 phút, 4-8 lần mỗi ngày trong vòng 48 giờ đầu hoặc cho đến khi thấy đỡ sưng nề. Nếu sử dụng đá để chườm cần tránh chườm một vị trí trong thời gian quá lâu gây bỏng lạnh phần mềm.
- Băng ép vùng khớp bị thương tổn: Sử dụng băng chun để thực hiện băng ép. Băng ép không quá chặt sẽ gây khó chịu cho người bệnh nhưng cũng không quá lỏng thì mới hiệu quả.
- Nâng cao chi thể bị tổn thương: Nâng cao vùng chi thể bị tổn thương bằng cách để vùng ngọn chi (bàn tay, bàn chân) cao hơn vùng gốc chi (khuỷu, gối) hoặc nâng cao vị trí khớp bị thương tổn hơn mức tim khi có thể nhằm hạn chế và phòng ngừa sưng nề cho vùng chi thể bị tổn thương.
- Bị chấn thương lại vào vùng khớp đã bị bong gân trước đó.
- Đau nhiều vùng khớp bị thương tổn, không thể vận động được khớp hoặc không thể đứng tỳ chân hoặc đi lại được.
- Không thể bước đi được 4 bước mặc dù không thấy đau nhiều hoặc người bệnh cảm thấy lỏng khớp.
- Bong gân được điều trị muộn hoặc không đúng dẫn đến tình trạng lỏng khớp và đau khớp mạn tính.
- Dùng thuốc: Đối với bong gân nhẹ và vừa, bác sỹ thường hướng dẫn tự chăm sóc tại nhà theo nguyên tắc trên và dùng thuốc giảm đau chống viêm thông thường như paracetamol, ibuprofen… Tập phục hồi chức năng được thực hiện khi người bệnh cảm thấy đỡ đau. Quá trình tập vận động khớp được thực hiện từ đơn giản đến phức tạp, từ nhẹ đến nặng.
- Phẫu thuật: Phẫu thuật có thể được chỉ định khi bong gân nặng, nghĩa là dây chằng bị đứt hoàn toàn và dẫn đến tình trạng lỏng khớp.
Trật khớp là một thương tích nặng, có nhiều biến chứng và di chứng. Điều trị trật khớp cần có bác sỹ chuyên khoa. Điều trị trật khớp phụ thuộc vào vị trí và mức độ nặng của khớp bị trật, bao gồm:
- Nắn chỉnh khớp: Bác sỹ sẽ thực hiện nắn chỉnh các đầu xương của diện khớp về đúng vị trí giải phẫu. Tùy thuộc vào tình trạng khớp bị trật, vị trí khớp, mức độ thương tổn của khớp trật mà trong quá trình thủ thuật bác sỹ có thể sử dụng thuốc gây tê tại chỗ, gây tê vùng hay gây mê cho người bệnh.
- Bất động khớp: Sau khi nắn chỉnh khớp về vị trí giải phẫu, bác sỹ có thể bất động khớp bị trật bằng cách bó bột, dùng dụng cụ trợ đỡ hoặc treo tay. Thời gian bất động khớp phụ thuộc vào độ nặng của trật khớp và các tổn thương phần mềm, mạch máu, thần kinh phối hợp.
- Phẫu thuật: Phẫu thuật được đặt ra nếu bác sỹ không thể nắn chỉnh kín diện khớp về vị trí giải phẫu hoặc khi có tổn thương mạch máu, thần kinh, dây chằng kèm theo. Phẫu thuật cũng có thể được chỉ định trong trường hợp trật khớp tái diễn, nhất là ở khớp vai.
- Phục hồi chức năng: Ngay sau khi được tháo bỏ dụng cụ bất động khớp, người bệnh sẽ bắt đầu chương trình tập phục hồi chức năng nhằm lấy lại biên độ vận động của khớp và sức mạnh cơ bắp. Quá trình tập phục hồi chức năng là một quá trình lâu dài, với nhiều bài tập từ đơn giản đến phức tạp, từ nhẹ đến nặng và từ cường độ thấp đến cường độ cao.
Giảng viên Bộ môn Ngoại- Trường Đại học Y Hà Nội.
Khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình thần kinh cột sống- Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội.
Tin nổi bật
- Bệnh nhân tự chẩn đoán đái ra dưỡng chấp và được chúng tôi phẫu thuật nội soi
07/12/2024 - 18:49:50
- Phẫu thuật nội soi thắt ống phúc tinh mạc đầu tiên trên bản đồ Việt Nam
04/12/2024 - 22:16:35
- Đặt lịch điều trị thoát vị bẹn cho bệnh nhân người nước ngoài
30/11/2024 - 18:45:00
- Một số nguy cơ tổn thương chức năng thận và sức khỏe cơ thể do sỏi tiết niệu
27/11/2024 - 20:28:30
- Phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị bẹn cho bệnh nhân người nước ngoài
10/11/2024 - 19:33:08
- Đái ra dưỡng chấp và phẫu thuật nội soi bóc bạch mạch
06/11/2024 - 22:27:53