CÁC BỆNH LÝ HAY GẶP Ở BÀN TAY PHỤ NỮ
Phụ nữ hiện nay ngoài đảm trách công việc xã hội họ còn lãnh trách nhiệm công việc nội trợ và chăm sóc gia đình. Chính vì vậy, phụ nữ càng phải sử dụng đôi tay nhiều hơn. Hậu quả là họ thường mắc bệnh lý vi chấn thương mạn tính ở cổ bàn tay hơn nam giới.
Bàn tay phụ nữ cực kỳ quan trọng vì nhờ nó mà gia đình có bữa cơm ngon, con cái được chăm sóc chu đáo. thế nhưng tạo hóa nhiều khi bất công khiến cho bàn tay phụ nữ nhất là phụ nữ tuổi trung niên hay bị đau do nhiều nguyên nhân khác nhau. Dĩ nhiên là các quý ông sẽ phản đối và bảo quý ông cũng bị như vậy. Tuy nhiên tần suất xảy ra trên phụ nữ nhiều hơn. chúng tôi xin trình bày một vài bệnh lý hay gặp gây đau ở vùng bàn tay phụ nữ. Mong rằng các chị em, cô bác chú ý phòng ngừa và nếu lỡ bị thì cũng nên đi khám sớm để mau lành bệnh hơn. NGÓN TAY BẬT Đây là tình trạng viêm bao gân gập ngón tay mà các ngón hay gặp là ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và ngón đeo nhẫn và thường phối hợp với tình trạng chấn thương lặp đi lặp lại. Những bệnh nhân lớn hơn 40 tuổi, có tiền căn tiểu đường, viêm khớp dạng thấp hay bị hơn. Các sợi gân bình thường sẽ trượt tới lui bên dưới các ròng rọc. Khi có một nốt phát triển trong gân (do viêm), nốt này có thể chui qua ròng rọc khi gân gập nhưng không thể chui lại khi gân duỗi và gây ra “kẹt” ở chỗ ròng rọc làm ngón tay khó duỗi ra, khi cố gắng duỗi ngón tay sẽ gây ra tình trạng ngón tay không cử động nhẹ nhàng mà bị bật. Triệu chứng lâm sàng điển hình là bệnh nhân sẽ than đau đặc biệt vùng nếp gấp xa của gan bàn tay và ngón tay bị kẹt khi duỗi ra, có bệnh nhân mô tả sự chuyển động bật của ngón tay khi duỗi giống như đầu con bửa củi cử động. Cơn đau thường vào sáng sớm lúc thức dậy và giảm dần trong ngày. Khi khám sẽ thấy có nốt gây đau có thể sờ được ở vùng nếp gấp xa gan bàn tay ( tức là ở đường chỉ tay gần ngón tay). Càng về sau khi nốt phát triển bệnh nhân sẽ khó khăn khi cử động ngón tay và đôi khi nặng tới mức không thể gập ngón tay vào được. Điều trị bắt đầu bằng cách nẹp cho khớp bàn đốt duỗi trong 10-14 ngày và dùng thuốc kháng viêm giảm đau không corticoide hoặc chích corticoide vào màng gân. Nếu không bớt có thể chích lại sau 3-4 tuần. nếu không bớt nữa có thể phải dùng đến phẫu thuật giải phóng gân khỏi ròng rọc bằng cách cắt một phần hay hoàn toàn ròng rọc. Đây là bệnh lý chẩn đoán dựa trên hỏi bệnh sử và khám lâm sàng, không cần thiết phải siêu âm hay chụp hình gì. Ngón tay cái bị mất duỗi thẳng do gân bị kẹt trong ròng rọc, phải dùng tay khác bẻ mạnh mới duỗi ngón tay được, khi đó bạn sẽ có cảm giác ngón tay bị bật như đầu con bửa củi Gân được mổ giải phóng khỏi ròng rọc để khỏi bị kẹt. Đây là phẫu thuật tiểu phẫu có thể về ngay trong ngày. Sau mổ ngón tay có thể làm việc bình thường không cần kiêng cử gì nhiều Ngón tay cái duỗi thẳng ngay sau mổ tiểu phẫu. VIÊM MÀNG GÂN DUỖI-DẠNG NGÓN CÁI HAY BỆNH DE QUERVAIN Dequervain là loại bệnh lý hay gặp ở phụ nữ. Bệnh có tên là viêm màng gân cổ tay hay là viêm hẹp màng gân hay tên gọi phổ biến hơn trong giới chấn thương chỉnh hình là viêm màng gân của deQuervain (deQuervain’s tenosynovitis). Bệnh này do tình trạng kích thích hay sưng gân bên phía ngón cái của cổ tay. Việc viêm dày của bao màng gân làm hẹp đường đi của gân dạng dài và duỗi ngắn ngón tay cái khi các gân trượt trong màng bao gân phía cổ tay. Bệnh điển hình hay gặp ở nhóm gân duỗi và dạng ngón cái có lẽ là do động tác dạng và duỗi ngón cái là động tác hay làm trong sinh hoạt. Nhiều bệnh nhân thường than phiền bị đau tay do ẵm con hay ẵm cháu. Bệnh nhân thường hay mô tả với chúng tôi tình trạng sưng và đau phía mặt ngoài cổ tay, nhất là khi cử động ngón cái hoặc khi nắm bàn tay lại. Một số người bị sưng to khiến bệnh nhân cứ tưởng là u xương vì sờ thấy cưng cứng. Số người bị dính ngón cái khi co duỗi ít hơn so với bệnh lý ngón tay cò súng (ngón tay bật). Khi khám bác sĩ sẽ cho bệnh nhân gấp ngón tay cái trong các ngón tay còn lại và bẻ cổ tay về phía bên trong (tức là bên xương trụ) sẽ gây cơn đau ngay tại chỗ sưng. Thường là với các triệu chứng và khám như trên đủ để chấn đoán bệnh nhưng đôi khi bạn sẽ được chỉ định đi chụp phim xquang cổ tay để loại trừ các nguyên nhân khác như bệnh lý xương, calci hóa gân bị viêm… Những bệnh khác có thể có triệu chứng giống như vậy như viêm khớp bàn cổ tay ngón cái, nang hoạt dịch cổ tay, gãy xương thuyền ( nhất là khi bệnh nhân có té chống bàn tay), thoái hóa khớp cổ tay như khớp quay –thuyền. Bệnh để lâu sẽ gây đau mạn tính, mất lực ngón cái vì không dạng và duỗi ngón cái được và như vậy sẽ hạn chế trong việc sử dụng bàn tay. Về điều trị bao gồm uống thuốc, cho ngón cái nghỉ ngơi đôi khi phải làm nẹp bột bất động ngón cái và cổ tay. Tiếp theo có thể là tiêm corticoide tại chỗ nếu biện pháp đầu thất bại. Có thể tiêm tối đa là ba lần, mỗi lần cách nhau tối thiểu 7-10 ngày. Nếu không giải quyết được vấn đề thì có thể dùng đến biện pháp phẫu thuật. Theo kinh nghiệm của chúng tôi thì việc phẫu thuật sẽ đem lại lợi ích cho bệnh nhân nếu hai biện pháp uống thuốc và chích đã thất bại. Chúng tôi chưa gặp trường hợp tái phát sau khi mổ ở bệnh lý này. Sưng mặt ngoài cổ tay do viêm hẹp màng gân dạng duỗi ngón cái THOÁI HÓA KHỚP NGÓN TAY Thoái hóa các khớp bàn ngón tay là bệnh hay xảy ra trên bệnh nhân nữ khoảng trên 40 tuổi, vào mỗi sáng sớm khi thức dậy hay để bàn tay nghĩ ngơi lâu ( chẳng hạn sau khi ngủ trưa) thường bị cứng các ngón tay nhất là ở khớp liên đốt gần và xa của ngón tay. Một số có thể mô tả tình trạng tê nhưng thật chất là khó cử động khớp ngón tay. Tuy nhiên sau khi cử động một thời gian ngắn thì các ngón tay hoạt động trở lại bình thường. Một số trường hợp các ngón tay hơi sưng nhẹ và đau khi cử động. Một số có hạn chế cử động ngón tay vì đau hoặc khó cử động. Một số khác có nổi những cục cứng như xương ở gần khớp liên đốt gần hay xa. Bệnh có thể xảy ra cùng lúc với hội chứng ống cổ tay ( cũng hay xảy ra ở nữ tuổi trung niên). Đây là tình trạng thoái hóa của các khớp vùng bàn ngón tay. Bệnh có đặc điểm như trên. Chụp phim x quang đôi khi bình thường, đôi khi có hình ảnh hư biến của khớp. Bệnh không ảnh hưởng gì nghiêm trọng đến tính mạng nhưng gây ra khó chịu cho bệnh nhân. Bệnh này là do sự thoái hóa của khớp ngón tay, hư hại sụn khớp, bao khớp bị viêm làm đôi khi sưng nhẹ khớp. Nguyên nhân thường không rõ và thường được quy kết là do tuổi. Một số có nguyên nhân như chấn thương. Bệnh đau các khớp bàn tay còn có nguyên nhân khác là viêm đa khớp dạng thấp với đặc điểm là xảy ra ở khớp bàn ngón và khớp cổ tay. Đây là bệnh lý toàn thân, một số khớp khác cũng bị như gối, vai, háng. Khớp bị biến dạng rất sớm và gây đau đớn cho bệnh nhân, gây tàn phế sớm nếu không có sự điều trị hỗ trợ nâng đỡ. Đây là bệnh lý được cho là có yếu tố gen và xem như là không thể chữa hết cho đến tận bây giờ. Việc điều trị bao gồm kháng viêm giảm đau toàn thân hay tại chỗ kèm theo các biện pháp vật lý trị liệu nâng đỡ chống biến dạng khớp. Có thể thay khớp khi bệnh quá nặng. Riêng về bệnh lý thoái hóa khớp ngón tay, việc điều trị bao gồm thuốc, nẹp bất động khớp nếu quá đau. Tình trạng cứng khớp buổi sáng hay sau khi ngủ trưa dậy có thể cải thiện bằng việc ngâm nước nóng, xoa bóp bằng các gel có hoạt chất kháng viêm. Có thể dùng thêm các thuốc chống thoái hóa khớp. HỘI CHỨNG ỐNG CỔ TAY Hội chứng ống cổ tay là do thần kinh giữa bị chèn ép ở vùng cổ tay, phần lớn là vô căn, thần kinh giữa bị dây chằng ngang cổ tay chèn ép khi nó đi qua dưới sợi dây chằng này. Đôi khi có thể tìm thấy nguyên nhân chèn ép thần kinh giữa như nang hoạt dịch, gãy đầu dưới xương quay .v.v. Bệnh này hay xảy ra trên người nữ ở độ tuổi trung niên, những người bị tiểu đường, những người làm việc tư thế cổ tay gập như đánh máy, cố tay bị rung nhiều như công nhân làm đường, cắt đường bằng máy rung cũng thường hay bị hội chứng này. Triệu chứng bao gồm tình trạng tê các đầu ngón tay ở ngón cái, ngón trỏ và nửa ngoài ngón đeo nhẫn là vùng do thần kinh giữa chi phối. Khi làm việc cổ tay ở thế gập nhiều như đánh máy, giặt đồ sẽ làm tình trạng tê tay tăng lên. Một trong số triệu chứng để phát hiện ( rất việt nam) đó là chạy xe gắn máy một thời gian sẽ làm tay tê cứng khiến người bệnh phải dừng xe lại, cử động tay một lúc mới đỡ đau. Một số bệnh nhân mô tả cho chúng tôi tình trạng tê các ngón tay khi chắp tay niệm kinh hay lạy Phật hoặc cúng bái. Khi đi khám bệnh, các bác sĩ hay bẻ cho cổ tay bệnh nhân gập hết cỡ và chờ xem triệu chứng tê có xuất hiện hay không, thời gian xuất hiện tê càng sớm thì bệnh càng nặng. Một trong những xét nghiệm hay được cho làm là đo điện cơ. Xét nghiệm này cho phép chẩn đoán và đánh giá mức độ nặng nhẹ. Bệnh nếu để lâu không điều trị tiến triển có thể bị nặng hơn làm teo các cơ ở vùng mô cái bàn tay. Khi đó khả năng hồi phục là rất kém. Vì hội chứng ống cổ tay không gây đau nên có rất nhiều bệnh nhân bỏ qua cho đến khi các cơ bị teo. Dân gian hay gọi teo vùng trái chanh trên bàn tay ( tức là vùng cơ ô ngón cái). Khi đó bệnh nhân không thể làm động tác đối ngón cái vào các ngón còn lại, khi đó bàn tay giống như bàn tay con khỉ vì không thể làm các động tác đòi hỏi ngón cái phải đối chiếu với các ngón khác như cầm, nắm bút, đũa, đếm tiền v.v. nhiều nhà khoa học đã kết luận rằng sự tiến hóa tạo nên sự khác biệt giữa con người và các giống linh trưởng khác như khỉ hay đười ươi là khả năng ngón cái có thể đối chiếu với các ngón còn lại. động tác này giúp con người làm được nhiều công việc mang tính sáng tạo như viết, vẽ, cầm nắm chính xác… Về phần điều trị, khi bệnh còn nhẹ, các BS thường hay dùng thuốc kháng viêm giảm đau nhằm mục đích giảm viêm và phù nề của sợi thần kinh, có thể kèm theo việc hạn chế cử động tay trong một thời gian. Nếu không bớt thì có thể dùng corticoide chích vào trong ống cổ tay và biện pháp cuối cùng là mổ cắt dây chằng ngang cổ tay để giải quyết triệt để nguyên nhân. Một số chủ trương dùng biện pháp phẫu thuật ngay khi uống thuốc không bớt vì một số nghiên cứu cho thấy tỉ lệ tái phát trở lại sau khi chích corticoide 1 năm là khá cao và vì những biến chứng nguy hiểm của việc chích corticoide tại chỗ. Việc phẫu thuật cũng có nhiều phương pháp. Một số tác giả chủ trương mổ mở với kính hiển vi nhằm giải phóng hết các nhánh thần kinh, một số khác chỉ mổ đường mổ nhỏ cắt dây chằng ngang cổ tay, một số khác dùng dao đèn hay nội soi để cắt dây chằng ngang cổ tay. Không có sự vượt trội về kết quả giữa các phương pháp. Điều quan trọng là đừng nên để cho đến khi teo cơ rồi mới đi khám vì kết quả điều trị sẽ rất kém và bàn tay sẽ bị mất chức năng. Cơ vùng mô ngón cái bị teo do dây thần kinh giữa bị chèn ép quá nặng. Nhưng trường hợp này phẫu thuật sẽ rất khó hồi phục do tổn thương quá nặng. Nên phẫu thuật trước khi cơ bị teo NANG HOẠT DỊCH CỔ TAY Nang hoạt dịch cổ tay có nguồn gốc từ bao hoạt dịch khớp cổ tay. Nang chứa dịch nhầy, keo màu vàng giống như thành phần của dịch khớp. Mặt dù nguyên nhân chính xác người ta còn bàn cãi nhưng người ta thấy rằng giữa nang và khớp cổ tay có một valve một chiều chỉ cho phép dịch khớp đi vào nang mà không đi ngược lại. Nang có thể gây ra cảm giác căng tức hoặc đôi khi là đau thực sự do tăng áp lực trong nang, hoặc do nang chèn ép các cấu trúc bên cạnh. Nang tăng thể tích khi cổ tay hoạt động nhiều. Đôi khi có thể gây tê nếu ở mặt trước cổ tay gây chèn thần kinh giữa hay trụ. Về điều trị có thể có nhiều cách. Có thể là chọc hút nang đơn thuần, kiểu này sẽ làm nang tái phát trở lại nhanh chóng vì không giải quyết triệt để vấn đề. Một số nơi chọc hút và bơm corticoide vào nang. Một số nơi cắt bỏ nang. Đều có những tỉ lệ tái phát trở lại cho cả hai phương pháp. Nang hoạt dịch có thể xuất hiện ở tuổi trẻ hay trung niên. Không có gì quá lo lắng khi thấy cục u xuất hiện ở mu cổ tay và được bác sĩ chẩn đoán là nang hoạt dịch vì nang lành tính hoàn toàn. Rất nhiều bệnh nhân chúng tôi rơi vào tình trạng lo lắng quá mức vì sợ ung thư cổ tay. Nang hoạt dịch cổ tay, đôi khi nang có thể ở vùng cổ tay mặt lòng như trong trường hợp này, nhưng đa phần nang hoạt dịch cổ tay hay xảy ra ở mặt mu bàn tay. nang lành tính đôi khi gây đau. |
Tin nổi bật
- GIẢI PHẪU ĐƯỜNG TIẾT NIỆU TRÊN ỨNG DỤNG TRONG NỘI SOI NIỆU QUẢN - THẬN NGƯỢC DÒNG
10/08/2023 - 21:22:35
- Hướng dẫn các bước phẫu thuật điều trị tràn dịch màng tinh hoàn ở người trưởng thành
16/07/2023 - 22:11:23
- Các bước phẫu thuật nội soi sau phúc mạc cắt thận mất chức năng
08/07/2023 - 18:24:37
- Các bước phẫu thuật nội soi sau phúc mạc cắt thận mất chức năng
08/07/2023 - 18:07:24
- MỔ MỞ ĐIỀU TRỊ THOÁT VỊ BẸN - THOÁT VỊ BẸN NGHẸT Ở TRẺ EM
20/12/2021 - 16:23:17
- Một số phẫu thuật điều trị bệnh lý ở tinh hoàn
12/12/2021 - 15:52:47