Hình ảnh các bệnh của ống niệu rốn
Nang niệu rốn là 1 bệnh lý bẩm sinh do sự thoái triển không hoàn toàn, bất thường của ống niệu rốn trong quá trình hình thành bào thai và sau sinh. Tồn tại các thể lâm sàng của ống niệu rốn sẽ có biểu hiện lâm sàng khác nhau.
Các bệnh của ống niệu rốn tồn lưu: Phổ của các dấu hiệu siêu âm và CT
Mở đầuỐng niệu rốn (urachus), hay dây chằng rốn giữa, là một cấu trúc ống đường giữa kéo dài lên phía trên từ vòm trước của bàng quang tới rốn. Nó là một dấu vết tồn lưu của ít nhất hai cấu trúc phôi: ổ nhớp (cloaca) là sự kéo dài lên phía đầu của xoang niệu-dục (tiền thân bàng quang của thai), và niệu nang (allantois) là một phát sinh của túi noãn hoàng [1]. Ống niệu rốn bình thường thoái triển trước sinh, còn lại dưới dạng một dải xơ với chức năng không được biết. Tuy nhiên sự tồn lưu ống niệu rốn phôi làm phát sinh nhiều vấn đề lâm sàng, không chỉ ở trẻ ẵm ngửa và trẻ em mà còn ở người trưởng thành. Bởi vì các bệnh của ống niệu rốn tồn lưu là một biểu hiệu ít gặp với các dấu hiệu và triệu chứng ổ bụng, niệu khoa không đặc hiệu, chẩn đoán xác định trước mổ không dễ dàng. Có rất nhiều bất thường có thể gây nhầm lẫn trừ phi người ta quen với giải phẫu phôi học cơ bản và các đặc điểm hình ảnh của vùng dưới rốn và trước bàng quang. Do CT và siêu âm hiển thị các ảnh cắt ngang và ống niệu rốn ở trong thành bụng trước nằm cách xa các cấu trúc ruột gây ảnh giả, các phương tiện này thích hợp để chứng minh các bất thường của ống niệu rốn [2-5].
Trong bài này, chúng tôi xem xét lại các đặc điểm phôi và giải phẫu của ống niệu rốn. Chúng tôi cũng bàn luận và minh họa phổ của các dấu hiệu CT và siêu âm đối với các bất thường ống niệu rốn bẩm sinh (patent urachus, umbilical-urachal sinus, vesicourachal diverticulum, urachal cyst) và các bệnh của ống niệu rốn tồn lưu (nhiễm khuẩn, u).
Phôi học và giải phẫu bình thường
Niệu nang (allatois) xuất hiện vào khoảng ngày thứ 16 dưới dạng một túi nhỏ, hình ngón tay lồi ra từ thành phía đuôi của túi noãn hoàng [1]. Bàng quang phát triển từ phần bụng của phần giãn ra của đoạn cuối ruột phôi, ổ nhớp (cloaca) liên tiếp với niệu nang ở phía bụng (H.1). Phần tận phía trước trên của bàng quang mở vào niệu nang ở vị trí của rốn; do đó, lúc ban đầu bàng quang mở rộng theo mọi hướng tới rốn. Vào khoảng tháng thứ 4 hay thứ 5 của thai kỳ, bàng quang di chuyển xuống khung chậu và phần đỉnh của nó hẹp lại dần dần thành một dải xơ cơ nhỏ phủ biểu mô, đó là ống niệu rốn (urachus). Trong giai đoạn phôi và thai sau đó và giai đoạn sớm sau sinh, phần niệu rốn vẫn còn nhỏ, không phát triển; lòng của nó hẹp và thường bị tắc do sự tăng sinh xơ. Ở 1/3 người trưởng thành, nó có thể thấy khi soi kính hiển vi như là một cấu trúc thông với lòng bàng quang; tuy nhiên, về mặt chức năng nó được cho là khép vào nửa cuối của thai kỳ [6].
Hình 1. Hình minh họa tính liên tục của ổ nhớp (cloaca) phía bụng với niệu nang (allatois) ở thai 8 tuần tuổi. Mesonephros = trung thận
Ống niệu rốn (urachus) có chiều dài từ 3 đến 10 cm và đường kính 8 đến 10 mm. Nó là một cấu trúc ống có 3 lớp, lớp trong cùng lót bởi biểu mô chuyển tiếp ở trong 70% các trường hợp và biểu mô trụ trong 30% các trường hợp. Cấu trúc được bao quanh bởi mô liên kết và một lớp cơ ở ngoài liên tiếp với cơ mu bàng quang [6,7]. Dọc theo đường đi của nó từ bàng quang đến rốn, ống niệu rốn nằm giữa mạc ngang và phúc mạc thành được chứa trong khoang tháp sau xương mu, trước bàng quang, trước phúc mạc khoang được phân thành ngăn bởi mạc rốn-bàng quang, cùng dây chằng rốn giữa và bàng quang (H. 2). Đôi khi, ống niệu rốn có thể hoà vào một hoặc cả hai động mạch rốn bị tắc, và có thể hơi trệch nhẹ sang bên trái hoặc bên phải đường giữa [8].
Hình 2. Hình vẽ thành bụng trước dưới nhìn từ bên trong ổ bụng (trên) và mặt phẳng ngang (dưới) cho thấy ống niệu rốn kéo dài từ đỉnh (vòm) bàng quang tới rốn dọc theo các dây chằng rốn giữa (các động mạch rốn đã tắc)(mul), nó nằm bên trong khoang trước bàng quang giữa mạc ngang (tf) và phúc mạc thành (pp) và được bao quanh bởi mạc rốn-bàng quang (uvf). eia = động mạch chậu ngoài,eiv = tĩnh mạch chậu ngoài, ieav = tĩnh mạch thượng vị dưới, ram = cơ thẳng bụng, vd = ống dẫn tinh.
Các bất thường ống niệu rốn bẩm sinh
Các bất thường ống niệu rốn bẩm sinh gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới hai lần [9]. Có 4 loại bất thường ống niệu rốn bẩm sinh: ống niệu rốn mở (patent urachus), xoang ống niệu rốn (umbilical-urachal sinus), túi thừa bàng quang-niệu rốn (vesicaurachal diverticulum), và u nang ống niệu rốn (urchal cyst) (H. 3). Ống niệu rốn mở (patent urachus) là bẩm sinh hoàn toàn và chiếm khoảng 50% các trường hợp bất thường bẩm sinh ống niệu rốn [10]. Xoang ống niệu rốn (umbilical-urachal sinus) (chiếm khoảng 15% các trường hợp), túi thừa bàng quang-niệu rốn (khoảng 3-5%), hoặc u nang ống niệu rốn (khoảng 30%) có thể đóng lại một cách bình thường sau khi sinh nhưng rồi thông lại trong các điều kiện bệnh lý mà chúng được phân loại là các bệnh mắc phải [7,10-13]. Phần lớn các bệnh nhân có bất thường ống niệu rốn (ngoại trừ bệnh nhân có patent urachus) là không có triệu chứng. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể có triệu chứng nếu các bất thường này kết hợp với nhiễm khuẩn.
Hình 3. Hình minh họa 4 loại bất thường ống niệu rốn bẩm sinh. B = bàng quang, p = ổ bụng, r = trực tràng, s = khớp mu, umb = rốn.
Nếu có đường thông giữa lòng bàng quang và rốn thì rò nước tiểu thường xảy ra và được phát hiện trong giai đoạn mới sinh. Trong khoảng 1/3 các trường hợp, tình trạng này phối hợp với van niệu đạo sau hoặc tịt niệu đạo [14]. Chẩn đoán xác định bằng siêu âm hoặc chụp bàng quang [15,16]. Ống niệu rốn mở (patent urachus) là một ống thông giữa mặt trước trên của bàng quang và rốn được chứng minh trên siêu âm cắt dọc và đôi khi bằng CT khi bàng quang của trẻ căng đầy (H. 4). Một ít bệnh nhân có ống niệu rốn mở là không có triệu chứng, và đôi khi một tổn thương tắc nghẽn mắc phải của đường niệu thấp có thể gây rò đường niệu-rốn [7].
Hình 4. Ống niệu rốn mở (patent urachus) với nhiễm khuẩn ở trẻ 20 ngày tuổi. (a) Hình siêu âm cắt dọc cho thấy một cấu trúc ống giảm âm giữa bàng quang (bl) và rốn (umb) (đầu mũi tên).
Hình 4 (b, c) CT không tiêm thuốc (hình b ở mức thấp hơn hình c) cho thấy cấu trúc ống chứa đầy dịch (đầu mũi tên) kéo dài từ bàng quang (bl) tới rốn (umb).
Xoang ống niệu rốn (umbilical-urachal sinus) gồm có ống niệu rốn giãn và tịt ở rốn. Một lỗ nhỏ mở vào rốn thường xuất hiện và có thể gây chảy dịch theo chu kỳ [7,10]. Trên siêu âm có thể nhìn rõ một cấu trúc ống thành dày dọc theo đường giữa dưới rốn (H. 5a). Thường có sự nhiễm khuẩn ống niệu rốn tồn lưu và được xác nhận bằng chụp xoang (H. 5b).
Hình 5. Xoang ống niệu rốn nhiễm khuẩn (infected umbilical-urachal sinus) ở bệnh nhân nam 19 tuổi. (a) Siêu âm cắt đứng dọc cho thấy một cấu trúc ống giảm âm (mũi tên) kéo dài từ rốn (umb)(dấu cộng) ngay dưới thành bụng trước. Đầu dưới của ống này bị tắc.
Hình 5 (b) Chụp xoang ở hướng bên cho thấy đường rò tịt (mũi tên) không thông với bàng quang. Có một phức hợp đường rò ở phía dưới (đầu mũi tên) gợi ý nhiễm khuẩn và tạo thành đường rò qua thành bụng trước. umb = rốn.
Trong trường hợp túi thừa bàng quang-niệu rốn (vesicourachal diverticulum), ống niệu rốn chỉ thông với vòm bàng quang. Tình trạng này là kết quả của đầu bàng quang của ống niệu rốn không đóng. Túi thừa ống niệu rốn-bàng quang trong phần lớn các trường hợp là không có triệu chứng và thường được phát hiện tình cờ khi chụp CT vì các lý do không liên quan, xuất hiện dưới dạng một nang đường giữa sát ngay phía trên mặt trước trên của bàng quang (H 6a, 6b) [17]. Siêu âm chứng minh một cách dễ dàng một túi chứa đầy dịch lồi khỏi lòng bàng quang, không thông với rốn (H. 6c). Tổn thương này có xu hướng được thấy ở các bệnh nhân có cản trở đường ra của bàng quang mạn tính và có thể bị biến chứng do nhiễm khuẩn đường tiết niệu, tạo thành sỏi bên trong ống niệu rốn, và tăng tỷ lệ ung thư biểu mô sau tuổi dậy thì [18]. Với trẻ ẵm ngửa, túi thừa bàng quang-niệu rốn thường đi kèm với hội chứng prune-belly [9].
Hình 6. Túi thừa bàng quang-niệu rốn (vesicourachal diverticulum) được phát hiện tình cờ ở bệnh nhân nam 58 tuổi. (a, b) CT (a ở mức thấp hơn b) cho thấy một túi thừa nhỏ ở mặt trước trên (mũi tên) điển hình của một túi thừa bàng quang-niệu rốn mọc từ đỉnh của bàng quang (bl). Mạc rốn-bàng quang (các mũi tên ở b) cho phép xác địng vị trí của ống niệu rốn trong khoang trước bàng quang, ngoài phúc mạc.
Hình 6 (c) Hình siêu âm cắt đứng dọc cho thấy túi thừa giảm âm thông với phần cao nhất của bàng quang (bl), do đó giúp xác nhận dấu hiệu phát hiện trên CT.
U nang ống niệu rốn (urachal cyst) phát triển nếu ống niệu rốn đóng ở đầu bàng quang và rốn nhưng không khép kín ở đoạn giữa hai đầu tận này. Nó chủ yếu xảy ra ở 1/3 dưới của ống niệu rốn và ít khi ở 1/3 trên [19]. U nang ống niệu rốnthường nhỏ, nhưng kích thước có thể rất biến đổi [9]. Chúng trở nên có triệu chứng khi to ra nhưng đôi khi được phát hiện dưới dạng là khối tình cờ khi thăm khám bụng thông thường [20]. CT hoặc siêu âm cho thấy một ổ chức đầy dịch ở đường giữa thành bụng dưới rốn [12,16, 21-23]. Vôi hóa vỏ trứng của thành nang hiếm khi được báo cáo. Giống với các bất thường ống niệu rốn khác, nhiễm khuẩn là biến chứng hay gặp nhất của u nang ống niệu rốn, và phần lớn các u nang đã bị nhiễm khuẩn trước khi chẩn đoán [12,19,21,25,26]. U nang ống niệu rốn bị nhiễm khuẩn biểu hiện là thành dày và có tỷ trọng cao hơn nước trên CT , thành phần mô mềm và âm hỗn hợp trên siêu âm (H. 7).
Hình 7. U nang ống niệu rốn (urachal cyst) nhiễm khuẩn ở bệnh nhân nam 55 tuổi. (a) Siêu âm cắt ngang cho thấy tổn thương dạng nang phức hợp nằm giữa đường đi của ống niệu rốn (mũi tên). Tổn thương có âm hỗn hợp bên trong, thành ngoài dày và bờ trong xù xì.
Hình 7.(b) CT tiêm thuốc cản quang cho thấy tổn thương dạng nang ngay dưới đường giữa thành bụng với thành dày, ngấm thuốc mạnh, thâm nhiễm quanh tổn thương.
Các bệnh mắc phải của ống niệu rốn tồn lưu
Nhiễm khuẩn
Ống niệu rốn tồn lưu có lỗ mở thường dễ nhiễm khuẩn. Hơn nữa, các tồn lưu bị nhiễm khuẩn này thường bị nhầm với nhiều bệnh viêm của ổ bụng và khung chậu khi khám lâm sàng và các khối u ác tính khi chẩn đoán hình ảnh [12,19,26]. Đường nhiễm khuẩn có thể là bạch mạch, đường máu, hoặc bàng quang, và rất nhiều vi khuẩn gram dương và gram âm được cấy từ các tồn lưu niệu rốn [27]. Phụ thuộc vào sự biến đổi tình trạng mở thông của lòng ống niệu rốn, sự dẫn lưu của dịch nhiễm khuẩn dọc theo ống niệu rốn có thể xác định dạng mắc phải của xoang ống niệu rốn (dẫn lưu qua rốn), túi thừa bàng quang-niệu rốn (dẫn lưu qua bàng quang), ống niệu rốn mở (patent urachus) hoặc alternating sinus (dẫn lưu ở cả hai hướng) [9]. Hiếm hơn một nang nhiễm khuẩn vỡ tự phát vào ổ bụng dẫn tới viêm phúc mạc khu trú hoặc toàn thể [28]. Âm phức hợp trên siêu âm và tỷ trọng không đồng nhất với mức độ ngấm thuốc cản quang biến đổi ở trong và quanh tổn thương trên CT khiến rất khó phân biệt tồn lưu ống niệu rốn nhiễm khuẩn với ung thư biểu mô ống niệu rốn (H. 8). Trong phần lớn các trường hợp, sinh thiết qua da hoặc hút dịch là bắt buộc để chẩn đoán và lập kế hoạch điều trị [12,19,25,29]. Lấy bỏ toàn bộ thành nang là cần thiết bởi vì có tỷ lệ tái nhiễm khuẩn 30% và ung thư biểu mô có thể phát triển trong một ống niệu rốn tồn lưu được cắt bỏ không hết hoặc không được cắt bỏ [9,10].
Hình 8. Áp xe tổ chức hóa (organized abscess) trong ống niệu rốn tồn lưu ở bệnh nhân nam 53 tuổi. (a) Hình siêu âm cắt đứng dọc cho thấy một khối với âm hỗn hợp (đầu mũi tên) liên tiếp với vòm của bàng quang (bl).
Hình 8 (b, c) CT tiêm thuốc cản quang (c ở mức thấp hơn b) cho thấy một khối ngấm thuốc mạnh (đầu mũi tên) với tỷ trọng dịch bên trong liên quan đến phần trước trên của bàng quang (bl). Cũng thấy dày thành bàng quang ở kề cận. Chẩn đoán phân biệt trước mổ giữa một tồn lưu ống niệu rốn bị nhiễm khuẩn với ung thư biểu mô ống niệu rốn là không thể. Một áp xe tổ chức hóa (organized abscess) đã được xác nhận khi phẫu thuật.
Các khối u
Các khối u lành tính của ống niệu rốn gồm u tuyến (adenoma), u xơ tuyến (fibroadenoma), u xơ cơ (fibromyoma), và u mô thừa (hamartoma) là cực kỳ hiếm; tuy nhiên, chúng quan trọng ở chỗ chúng giả u ác tính của ống niệu rốn [30-32]. Các khối u ác tính của ống niệu rốn cũng hiếm, chiếm dưới 0,5% tất cả ung thư bàng quang [33]. Mặc dù ống niệu rốn bình thường chủ yếu được biểu mô chuyển tiếp lót, ung thư biểu mô ống niệu rốn xuất hiện một cách ưu thế dưới dạng ung thư biểu mô tuyến-adenocarcinoma (90% các trường hợp), có thể do dị sản của niêm mạc niệu rốn thành biểu mô trụ theo sau sự chuyển đổi ác tính; ngược lại, 34% ung thư biểu mô tuyến (adenocarcinoma) bàng quang có nguồn gốc niệu rốn [33,34]. Trong phân tích mô học, chất nhầy được tìm thấy nhiều trong 75% các trường hợp. Một số ít các ung thư biểu mô niệu rốn biểu thị các đặc điểm tế bào chuyển tiếp, vẩy, hoặc loạn sản [33,35-37]. Những khối u đó chủ yếu ở bệnh nhân 40-70 tuổi, 2/3 là nam giới [38].
Các khối u niệu rốn điển hình là phát triển thầm lặng bởi vì vị trí ngoài phúc mạc của chúng; do đó, phần lớn bệnh nhân có biểu lộ sự xâm lấn hoặc di căn khi khám bệnh [33,39]. 90% ung thư biểu mô niệu rốn phát triển ở phần gần bàng quang của ống niệu rốn và kéo dài hướng lên trên tới rốn và xuống dưới qua thành bàng quang (H. 9). Ung thư biểu mô niệu rốn có thể bị nhầm với các khối u nguyên phát của vòm bàng quang; tuy nhiên, không giống các khối u bàng quang, các khối u niệu rốn có xu hướng phát triển trong khoang trước bàng quang hướng tới rốn (H. 9, 10). Một ung thư biểu mô nguyên phát của bàng quang mọc ở trong niêm mạc đỉnh bàng quang sẽ thường biểu hiện với thành phần ngoài bàng quang ít hơn. Một số ít ung thư biểu mô niệu rốn nằm ở đoạn giữa của ống niệu rốn (6% các trường hợp) hoặc gần rốn (4% các trường hợp) [35]. Một số u trệch khỏi đường giữa (H. 10); điều này do trong quá trình phát triển phôi, ống niệu rốn đôi khi trệch khỏi đường giữa để hoà nhập vào các động mạch rốn bị tắc [8,9]. Hướng phát triển của u hay sự xâm lấn khu trú ảnh hưởng tới sự xa rời đường giữa như trong trường hợp này.
Hình 9. Ung thư biểu mô tuyến nhầy (mucinous adenocarcinoma) phát sinh từ tồn lưu ống niệu rốn ở bệnh nhân nữ 38 tuổi. (a) Hình siêu âm đứng dọc cho thấy khối âm hỗn hợp và các ổ tăng âm (đầu mũi tên) liên quan đến đỉnh bàng quang (bl).
Hình 9.(b) CT tiêm thuốc cản quang cho thấy khối tỷ trọng thấp với các dải vôi hóa mỏng ở ngoại vi (đầu mũi tên). ut = tử cung.
Hình 9.(c) Lớp cắt CT ở thấp hơn hình b 2cm cho thấy một khối tỷ trọng cao với bờ sau nhẵn (đầu mũi tên) liên tiếp với vòm bàng quang (bl). Các chấm vôi hóa nhỏ cũng thấy ở trung tâm của tổn thương.
Hình 10. Ung thư biểu mô tuyến (Adenocarcinoma) phát sinh từ tồn lưu ống niệu rốn ở bệnh nhân nữ 55 tuổi. (a) Hình siêu âm cắt đứng dọc cho thấy một khối không đồng nhất với âm hỗn hợp (đầu mũi tên) liên quan đến phần trước trên của bàng quang (bl) và lồi vào lòng bàng quang. Thành phần trong bàng quang của khối có âm tương đối đồng nhất.
Hình 10 (b, c) CT tiêm thuốc cản quang (c ở thấp hơn b) cho thấy một khối ranh giới rõ (đầu mũi tên) đè lên trên mặt trước phải của bàng quang (bl). Khối u bị trệch sang phải hơn là nằm ở vị trí đường giữa điển hình. Lưu ý thành phần ngoài bàng quang với tỷ trọng không đồng nhất và thành phần trong bàng quang tỷ trọng cao tương đối đồng nhất. ut = tử cung.
Giống một số ung thư biểu mô tuyến nhầy (mucinous adenocarcinoma) khác của các tạng ổ bụng, ung thư biểu mô niệu rốn có thể sinh ra các vôi hóa dạng cát điển hình được phát hiện tốt trên CT [5,9]. Vôi hóa xảy ra ở 50% tới 70% các trường hợp và có thể là chấm, đốm, hoặc đường cong và ở ngoại vi (H. 9, 11) [8,40-42]. Vôi hóa trong một khối đường giữa trên bàng quang được xem gần như chẩn đoán đối với ung thư biểu mô niệu rốn. Trên CT, ung thư biểu mô niệu rốn có thể đặc, dạng nang, hoặc kết hợp cả hai. Thành phần tỷ trọng thấp thấy trong 60% các trường hợp, phản ánh thành phần dịch nhày (H. 9, 11) [8]. Giống với các khối u ở trong thành của các u nang ở vị trí khác, người ta không thể phân biệt một ung thư biểu mô niệu rốn dạng nang thực sự với một ung thư biểu mô phát sinh từ thành của một u nang niệu rốn [41]. Phần dưới không có vỏ liên quan đến thành bàng quang và một phần không có vỏ dạng nang trước bàng quang được coi là các điểm đặc trưng (H. 9, 10) [42]. Siêu âm cho phép xác định vị trí của u và phát hiện vôi hóa tăng âm cũng như thành phần đặc của khối u trong thành bụng trước mà không có cản trở của các tạng trong ở bụng bao gồm khí của ruột (H. 9-11). Phần nang chứa dịch nhày của khối u được chứng minh bằng tăng âm hơn là dạng trống âm, và có thể có sự trái ngược nhau giữa các dấu hiệu siêu âm và CT (H. 9). Như đã đề cập, khó để phân biệt ống niệu rốn tồn lưu bị nhiễm khuẩn với ung thư biểu mô niệu rốn. Sự xuất hiện đái máu, nốt thuộc thành, và vôi hóa trên CT, cùng với không có thay đổi viêm có thể là các đặc điểm hữu ích trong một số trường hợp [43-45].
Hình 11. Ung thư biểu mô tuyến nhầy (mucinous adenocarcinoma) phát sinh từ ống niệu rốn tồn lưu ở một bệnh nhân nam 40 tuổi. (a) Siêu âm cắt đứng dọc cho thấy một khối mô mềm với nhiều đốm vôi hóa (đầu mũi tên) kèm theo bóng cản phía sau.
Hình 11 (b) CT không tiêm thuốc cản quang cho thấy một khối bị vôi hóa dày đặc (mũi tên) lồi vào vòm bàng quang (bl). Một lượng lớn dịch trong ổ bụng bao quanh bàng quang (đầu mũi tên), dấu hiệu này gợi ý ung thư di căn toàn thân (carcinomatosis).
Tiên lượng đối với u ống niệu rốn liên quan tới giai đoạn và mức độ biệt hóa, mặc dù nó thường có tiên lượng kém bởi vì khối u phát triển trong sự im lặng về lâm sàng và chỉ được phát hiện sau khi nó lan vào lòng bàng quang hoặc biểu hiện với triệu chứng liên quan tới kích thước lớn của nó hoặc lan vào cơ quan lân cận. CT có thể bộc lộ cả thành phần trong và ngoài bàng quang và tác động của khối u với các cấu trúc bao quanh (H. 11, 12). Các tua gai lẻ tẻ quanh tổn thương hoặc đan vào mỡ, gợi ý nhưng không đặc trưng cho, sự thâm nhiễm u bởi vì nhiều trường hợp nhiễm khuẩn đã biểu thị sự lan tràn viêm quanh tổn thương trùng với sự đan quanh u trên CT. CT không chính xác để nhận ra sự xâm lấn nhỏ của u vào mỡ và niêm mạc bàng quang [8]. Di căn xảy ra trong giai đoạn đầu ở các hạch bạch huyết khung chậu, tiếp theo di căn hệ thống tới phổi, não, gan và xương [39]. Xâm lấn khu vực và di căn hệ thống dẫn tới tỷ lệ sống sót 5 năm từ 6,5% tới 15% [38].
Hình 12. Khối u tái phát từ ống niệu rốn tồn lưu ở một bệnh nhân nữ 38 tuổi đã được phẫu thuật cắt ung thư biểu mô tuyến-adenocarcinoma. (a) CT tiêm thuốc cản quang cho thấy một khối u đặc ngay bên dưới đường trắng (đầu mũi tên). Lưu ý sự xoá mặt phẳng mỡ giữa thành bụng trước và các quai ruột trong phúc mạc (mũi tên).
Hình 12 (b) Hình đại tràng đối quang kép cho thấy một chỗ thắt hẹp của đoạn gần đại tràng sigma (mũi tên).
Hỉnh ảnh: Nội soi trong ổ bụng phẫu thuật nang niệu rốn nhiễm trùng
Kết luận
Nhiều đặc điểm của các bệnh ống niệu rốn tồn dư, bao gồm cả những tổn thương bẩm sinh bị nhiễm khuẩn hoặc không nhiễm khuẩn và các khối u đều được siêu âm phát hiện tốt. CT giúp khẳng định các phát hiện của siêu âm, bộc lộ bản chất và mức độ lan rộng của bệnh trong khu vực, đánh giá di căn hệ thống. Tuy nhiên, dấu hiệu CT và siêu âm của các nang niệu rốn nhiễm khuẩn có thể giả dấu hiệu của ung thư biểu mô niệu rốn. Do CT và siêu âm không có tính đặc trưng để phân biệt các khối đặc của ống niệu rốn nên cần thiết chẩn đoán mô bệnh học xác định để tối ưu hóa phẫu thuật và ngăn ngừa phẫu thuật tiệt căn không cần thiết. Hiểu biết giải phẫu và các đặc điểm hình ảnh của các bệnh ống niệu rốn tồn dư, kết hợp với vị trí điển hình và phân bố của bệnh là các điểm chủ chốt để chẩn đoán chính xác và quản lý bệnh thích hợp.
Urachal Remnant Diseases: Spectrum of CT and US Findings
Jeong-Sik Yu, MD ● Ki Whang Kim, MD ● Hwa-Jin Lee, MD
Young-Jun Lee, MD ● Choon-Sik Yoon, MD ● Myung-Joon Kim, MD
RadioGraphics 2001; 21:451–461
———————————————————————–Tham khảo
- Moore KL. The urogenital system. In: Moore KL, eds. The developing human. 3rd ed. Philadelphia, Pa: Saunders, 1982; 255-297.
- Avni EF, Matos C, Diard F, Schulman CC. Midline omphalovesical anomalies in children: contribution of ultrasound imaging. Urol Radiol 1988; 10:189-194.
- Boothroyd AE, Cudmore RE. Ultrasound of the discharging umbilicus. Pediatr Radiol 1996; 26:362-364.
- Cilento BG, Jr, Bauer SB, Retik AB, Peters CA, Atala A. Urachal anomalies: defining the best diagnostic modality. Urology 1998; 52:120-122.
- Khati NJ, Enquist EG, Javitt MC. Imaging of the umbilicus and periumbilical region. RadioGraphics 1998; 18:413-431.
- Schubert GE, Pavkovic MB, Bethke-Bedurftig BA. Tubular urachal remnants in adult bladders. J Urol 1983; 127:40-42.
- Berman SM, Tolia BM, Laor E, Reid RE, Schweizerhof SP, Freed SZ. Urachal remnants in adults. Urology 1988; 31:17-21.
- Brick SH, Friedman AC, Pollack HM, et al. Urachal carcinoma: CT findings. Radiology 1988; 169:377-381.
- Friedland GW, Devries PA, Matilde NM, Cohen R, Rifkin MD. Congenital anomalies of the urinary tract. In: Pollack HM, eds. Clinical urography. Philadelphia, Pa: Saunders, 1990; 559-787.
- Blichert-Toft M, Nielsen OV. A congenital patent urachus and acquired variants. Acta Chir Scand 1971; 137:807-814.
- Blichert-Toft M, Koch F, Nielsen OV. Anatomic variants of the urachus related to clinical appearance and surgical treatment of urachal lesions. Surg Gynecol Obstet 1973; 137:51-54.
- MacNeily AE, Koleilat N, Kiruluta HG, Homsy YL. Urachal abscesses: protean manifestations, their recognition, and management. Urology 1992; 40:530-535.
- DiSantis DJ, Siegel MJ, Katz ME. Simplified approach to umbilical remnant abnormalities. RadioGraphics 1991; 11:59-66.
- Slovis TL, Sty JR, Haller JO. The neonate. Imaging of the pediatric urinary tract. Philadelphia, Pa: Saunders, 1989; 69-116.
- Costakos DT, Williams AC, Love LA, Wood BP. Patent urachal duct. Am J Dis Child 1992; 146:951-952.
- Nagasaki A, Handa N, Kawanami T. Diagnosis of urachal anomalies in infancy and childhood by contrast fistulography, ultrasound and CT. Pediatr Radiol 1991; 21:321-323.
- Schnyder P, Candardjis G. Vesicourachal diverticulum: CT diagnosis in two adults. AJR Am J Roentgenol 1981; 137:1063-1065.
- Blichert-Toft M, Nielsen OV. Diseases of the urachus simulating intraabdominal disorders. Am J Surg 1971; 122:123-128.
- Spataro RF, Davis RS, McLachlan MSF, et al. Urachal abnormalities in the adults. Radiology 1983; 149:659-663.
- Al-Hindawi MK, Aman S. Benign non-infected urachal cyst in an adult: review of the literature and a case report. Br J Radiol 1992; 65:313-316.
- Morin ME, Tan A, Baker DA, Sue HK. Urachal cyst in the adult: ultrasound diagnosis. AJR Am J Roentgenol 1979; 132:831-832.
- Mesrobian HGO, Zacharias A, Balcom AH, Cohen RD. Ten years of experience with isolated urachal anomalies in children. J Urol 1997; 158:1316-1318.
- Sarno RC, Kauber G, Carter BL. Computer assisted tomography of urachal abnormalities. J Comput Assist Tomogr 1983; 7:674-676.
- Leyson JFJ. Calcified urachal cyst. Br J Urol 1984; 56:438.
- Goldman IL, Caldamone AA, Gauderer M, et al. Infected urachal cysts: a review of 10 cases. J Urol 1988; 140:375-378.
- Ward TT, Saltzman E, Chiang S. Infected urachal remnants in the adult: case report and review. Clin Infect Dis 1993; 16:26-29.
- Iuchtman M, Rahav S, Zer M, Mogilner J, Siplovich L. Management of urachal anomalies in children and adults. Urology 1993; 42:426-430.
- Agatstein EH, Stabile BE. Peritonitis due to intraperitoneal perforation of infected urachal cysts. Arch Surg 1984; 119:1269-1273.
- Herman TE, Shackelford GD. Pyourachus: CT manifestations. J Comput Assist Tomogr 1995; 19:440-443.
- Eble JN, Hull MT, Rowland RG, Hostetter M. Villous adenoma of the urachus with mucusuria: a light and electron microscopic study. J Urol 1986; 135:1240-1244.
- Loening S, Richardson JR. Fibroadenoma of the urachus. J Urol 1974; 112:759-761.
- Park C, Kim H, Lee YB, et al. Hamartoma of urachal remnant. Arch Pathol Lab Med 1989; 113:1393-1395.
- Sheldon CA, Clayman RV, Gonzalez R, Williams RD, Fraley EE. Malignant urachal lesions. J Urol 1984; 131:1-8.
- Ravi R, Shrivastava BR, Chandrasekhar GM, Prahlad S, Balasubramanian KV, Mallikarjuna VS. Adenocarcinoma of the urachus. J Surg Oncol 1992; 50:201-203.
- Beck AD, Gaudin JH, Bonham DG. Carcinoma of the urachus. Br J Urol 1970; 42:555-562.
- Lyth DR, Booth CM. Transitional cell carcinoma of the urachus. Br J Urol 1990; 65:544-545.
- Satake I, Nakagomi K, Tari K, Kishi K. Metachronous transitional cell carcinoma of the urachus and bladder. Br J Urol 1995; 75:244.
- Kwok-Liu JP, Zikman JM, Cockshott WP. Carcinoma of the urachus: the role of computed tomography. Radiology 1980; 137:731-734.
- Han SY, Witten DM. Carcinoma of the urachus. AJR Am J Roentgenol 1976; 27:351-353.
- Narumi Y, Sato T, Kuriyama K, et al. Vesical dome tumors: significance of extravesical extension on CT. Radiology 1988; 196:383-385.
- Korobkin M, Cambier L, Drake J. Computed tomography of urachal carcinoma. J Comput Assist Tomogr 1988; 12:981-987.
- Lee SH, Kitchens HH, Kim BS. Adenocarcinoma of the urachus: CT features. J Comput Assist Tomogr 1990; 14:232-235.
- Rao BK, Scanlan KA, Hinke ML. Abdominal case of the day. AJR Am J Roentgenol 1986; 146:1074- 1079.
- Candamio MJD, Pombo F, Arnal F, Busto L. Xanthogranulomatous urachitis: CT findings. J Comput Assist Tomogr 1998; 22:93-95.
- Chen WJ, Hsieh HH, Wan YL. Abscess of urachal remnant mimicking urinary bladder neoplasm. Br J Urol 1992; 69:510-512.
Hình ảnh: Phẫu thuật cắt nang niệu rốn nhiễm trùng nội soi ở trẻ 3 tuổi.
Các bài viết liên quan:
1. NANG ( CYST ) RỐN – NIỆU
2. Bệnh lý ống niệu rốn (PatentUrachus)
Tin nổi bật
- GIẢI PHẪU ĐƯỜNG TIẾT NIỆU TRÊN ỨNG DỤNG TRONG NỘI SOI NIỆU QUẢN - THẬN NGƯỢC DÒNG
10/08/2023 - 21:22:35
- Hướng dẫn các bước phẫu thuật điều trị tràn dịch màng tinh hoàn ở người trưởng thành
16/07/2023 - 22:11:23
- Các bước phẫu thuật nội soi sau phúc mạc cắt thận mất chức năng
08/07/2023 - 18:24:37
- Các bước phẫu thuật nội soi sau phúc mạc cắt thận mất chức năng
08/07/2023 - 18:07:24
- MỔ MỞ ĐIỀU TRỊ THOÁT VỊ BẸN - THOÁT VỊ BẸN NGHẸT Ở TRẺ EM
20/12/2021 - 16:23:17
- Một số phẫu thuật điều trị bệnh lý ở tinh hoàn
12/12/2021 - 15:52:47