Phẫu thuật tán sỏi niệu quản nội soi ngược dòng bằng Laser
Tán sỏi niệu quản nội soi niệu quản ngược dòng bằng Laser là một bước đột phá công nghệ trong phẫu thuật ngoại khoa điều trị sỏi tiết niệu. Nó đã dần thay thế hầu hết các phương pháp điều trị khác: Mổ mở, mổ nội soi sau phúc mạc....
1. Định nghĩa: Sỏi niệu quản là dị vật hữu hình cấu tạo từ chất vô cơ được hình thành từ trên thận rơi xuống hay lắng đọng tại niệu quản do nhiều nguyên nhân.
2. Nguyên nhân:
- Sỏi từ trên thận rơi xuống.
- Sỏi hình thành do bệnh lý rối loạn chuyển hóa: Acid Uric, Canxi…
- Nhiễm khuẩn…
3. Chẩn đoán:
- Dựa vào lâm sàng: Khai thác tỉ mỉ về cơn đau vùng thắt lưng, cơn đau quặn thận, rối loạn tiểu tiện.
- Cận lâm sàng:
+ XQ, UIV: Hình ảnh sỏi niệu quản trên đường đi của niệu quản,…
+ SAOB: Hình ảnh bóng cản âm trên đường đi của niệu quản, giãn đài bể thận – niệu quản, …
+ CT, MSCT: Chẩn đoán chính xác hơn, thăm dò chính xác bệnh lý hệ tiết niệu, đánh giá chức năng thận.
+ Sinh hóa, Xạ hình thận: Đánh giá chính xác chức năng 2 thận, thận bên có sỏi niệu quản.
4. Chỉ định tán sỏi niệu quản nội soi ngược dòng:
- Sỏi niệu quản kích thước 0,6 cm - 2,5 cm.
- Sỏi niệu quản nhỏ < 0,5 cm nhưng điều trị nội khoa 1 tuần không cải thiện lâm sàng, sỏi không di chuyển xuống vị trí thấp hơn, sỏi trên vị trí hẹp niệu quản, sỏi trên polype.
- Sỏi niệu quản trên vị trí sa lồi niệu quản.
Nếu sỏi niệu quản 2 – 2,5 cm. Tại cơ sở y tế có trang bị dụng cụ soi niệu quản ống cứng thì có thể tán nội soi ngược dòng ở vị trí niệu quản 1/3 trên với nữ giới dù vị trí gần sát bể thận. Còn nam giới nên áp dụng với sỏi ở vị trí thấp hơn. Đương nhiên nếu có ống soi mềm thì chỉ định tán sỏi tiết niệu không còn quan trọng vị trí của sỏi nữa.
5. Chống chỉ định:
- Bệnh nhân có hẹp niệu đạo ở nam giới
- Bệnh nhân nhiễm trùng tiết niệu nặng (Nên điều trị cho hết rồi tán sỏi).
- Bệnh nhân hẹp niệu quản đoạn dài dưới sỏi.
- Rối loạn đông máu.
6. Phẫu thuật tán sỏi niệu quản nội soi ngược dòng bằngLaser:
- Sau gây tê tủy sống, bệnh nhân được kê tư thế trên bàn sản khoa.
- Thăm khám, đánh giá lại cơ quan sinh dục, tiết niệu dưới.
- Sát khuẩn rộng vùng bẹn, cơ quan sinh dục.
- Trải toan vô khuẩn.
- Chuẩn bị dụng cụ, sắp xếp theo vị trí .
- Đặt máy nội soi qua niệu đạo vào bàng quang: Lúc đưa máy qua niệu đạo, phụ mổ bơm nước mạnh theo ống dẫn nước cho niệu đạo mở rộng, phẫu thuật viên thực hiện thuận lợi hơn và tránh sang chấn niệu đạo ( Đối với bệnh nhân nam giới).
- Soi bàng quang kiểm tra: Bàng quang xem có viêm nhiễm, chảy máu không? Tìm 2 lỗ niệu quản, xác định lỗ niệu quản bên có sỏi.
- Đặt guidewire ( Dây dẫn đường) vào niệu quản.
- Theo dây dẫn đưa ống soi vào niệu quản để nong niệu quản và đi dần lên cao tới vị trí sỏi. ( Nếu niệu quản hẹp có thể dùng các loại bóng để nong rộng niệu quản). Trên đường đi có thể thấy đoạn niệu quản hẹp, niệu quản có Polyp
- Rút ống soi ra khỏi niệu quản, bàng quang niệu đạo để đặt lại ống soi vào niệu quản tới vị trí sỏi. (Lúc này, phụ mổ bơm nước với áp lực nhẹ đủ để niệu quản rộng ra, cho ống soi lên thuận lợi, và nhìn phẫu trường thuận lợi).
- Đưa que tán laser vào và tán sỏi (Có thể vừa tán sỏi vừa đốt Polyp, lúc này phụ mổ cũng cần bơm nước với áp lực đủ để nước trong cho phẫu trường): Rất chú ý khi tán là phải để dầu tán tiếp xúc trực tiếp vào sỏi, càng gần trung tâm càng tốt để tránh trượt que tán chọc vào niệu quản.
- Sau khi tán sỏi kết thúc, bơm rửa sạch sỏi, rút que tán Laser ra ngoài, đặt Guidewire của bộ đặt JJ vào niệu quản, rút ống soi ra ngoài.
- Đặt lại ống soi vào bàng quang tại lỗ niệu quản bên tán sỏi, đặt sonde JJ vào bể thận – bàng quang qua Guidewire.
- Rút Guidewire, rút ống soi, đặt sond niệu đạo để kết thúc phẫu thuật.
7. Tai biến – biến chứng khi tán sỏi nội soi niệu quản bằng Laser:
- Dù tán sỏi niệu quản khi sử dụng Laser hạn chế tối đa các biện chứng, tai biến, nhưng vẫn có thể có:
- Thủng niệu quản.
- Chuyển mổ mở.
- Không đặt được ống soi để tiếp cận được sỏi.
- Sốt.
- Đái máu sau mổ.
- Đau sau mổ.
8. Chăm sóc sau mổ:
- Bệnh nhân nên nằm tại giường, không nên ngồi dậy để tránh đau đầu do tác dụng phụ của thuốc gây tê tủy sống.
- Ăn nhẹ .
- Uống nhiều nước.
- Rút sond niệu đạo sau 12 – 24h.
Bệnh nhân có thể ra viện ngay sau tán, nhưng nên nằm viện 1 – 2 ngày để theo dõi.
- Kháng sinh: nhóm Quinolone, Beta – Lactam
- Giảm có thắt: Nospa.
- Giảm đau nhẹ: Efferalgan.
- Hẹn tái khám sau 1 tháng để rút JJ.
Tán sỏi niệu quản nội soi ngược dòng bằng Laser
Máy tán sỏi niệu quản bằng Laser
Từ khi bệnh viện ĐH Y Hà nội triển khai tán sỏi niệu quản nội soi ngược dòng bằng Laser, đã hạn chế tối đa được các biến chứng, tai biến khi tán sỏi nội soi ngược dòng bằng máy xung hơi. Bệnh nhân giảm tối đa chi phí nằm viện, và nhanh chóng tái hòa nhập lại với công việc và cuộc sống thường ngày.
Tin nổi bật
- GIẢI PHẪU ĐƯỜNG TIẾT NIỆU TRÊN ỨNG DỤNG TRONG NỘI SOI NIỆU QUẢN - THẬN NGƯỢC DÒNG
10/08/2023 - 21:22:35
- Phẫu thuật nội soi sau phúc mạc điều trị thận đa nang
08/07/2023 - 18:31:18
- Các kỹ thuật ngoại khoa điều trị sỏi thận không xâm lấn, ít xâm lấn và xâm lấn
06/12/2021 - 17:46:49
- Dị tật bẩm sinh về thận: Số lượng, vị trí, hình dạng.
28/09/2021 - 22:58:59
- Phẫu thuật nội soi cắt toàn bộ tuyến tiền liệt điều trị ung thư đường hoàn toàn trước phúc mạc.
24/07/2021 - 12:46:50
- Lợi và hại của tự sương
10/10/2020 - 22:04:03